16:48 19/01/2022

Trung Quốc muốn tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP bằng 6G và dữ liệu lớn

Ngọc Trang

Đây là một trong những mục tiêu được đề ra trong trong Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2026 của Quốc vụ viện Trung Quốc...

Nằm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ nghiên cứu và phát triển mạng không dây 6G dù hiện tại chưa có tiêu chuẩn hay định nghĩa thống nhất nào trên toàn cầu về công nghệ này - Ảnh: Getty Images
Nằm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ nghiên cứu và phát triển mạng không dây 6G dù hiện tại chưa có tiêu chuẩn hay định nghĩa thống nhất nào trên toàn cầu về công nghệ này - Ảnh: Getty Images

Trung Quốc đang hướng tới thúc đẩy tỷ trọng của nền kinh tế số trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2025 với động lực chính là các công nghệ thế hệ mới như 6G và dữ liệu lớn.

Theo CNBC, tham vọng này cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đón đầu các công nghệ mới khi mà quốc gia này đang tiếp tục cạnh tranh với Mỹ trên nhiều lĩnh vực từ chất bán dẫn cho tới trí tuệ nhân tạo.

 

Trung Quốc dự báo lượng người dùng băng thông rộng gigabit - tốc độ kết nối internet nhanh nhất hiện nay - tại nước này sẽ tăng từ 6,4 triệu người vào năm 2020 lên 60 triệu người vào năm 2025.

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2026 công bố vào tuần trước, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết nước này đặt mục tiêu đưa “các ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế số” chiếm khoảng 10% GDP vào năm 2025, tăng từ mức 7,8% của năm 2020.

Năm ngoái, Bắc Kinh cũng đề cập tới các lĩnh vực “công nghệ tiên phong” sẽ được nước này thúc đẩy nghiên cứu và hướng tới tự chủ trong thời gian tới.

Kế hoạch mới nhất của Quốc vụ viện Trung Quốc đề ra những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn tới như tăng doanh thu bán lẻ trực tuyến toàn quốc từ 11.760 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1.850 tỷ USD) của năm 2020 lên 17.000 tỷ Nhân dân tệ (gần 2.700 tỷ USD) vào năm 2025. Một mục tiêu khác là tăng quy mô ngành công nghệ thông tin từ 8.160 tỷ Nhân tệ năm 2020 lên 14.000 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2025.

Trung Quốc dự báo lượng người dùng băng thông rộng gigabit - tốc độ kết nối internet nhanh nhất hiện nay - tại nước này sẽ tăng từ 6,4 triệu người vào năm 2020 lên 60 triệu người vào năm 2025.

Với kế hoạch trên, nước này dự kiến triển khai ứng dụng thương mại trên quy mô lớn mạng không dây 5G, mang lại dịch vụ intenet với tốc độ siêu nhanh. 5G hiện đã được triển khai tại Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn tham vọng phát triển mạng không dây thế hệ thứ 6 (tức 6G) với việc tăng hỗ trợ với hoạt động nghiên cứu và phát triển, đồng thời tham gia cùng quốc tế trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho 6G - công nghệ mà nước này đã đặt nền móng từ năm 2019. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mạng 5G mới chỉ vừa được triển khai và chưa có tiêu chuẩn hay định nghĩa thống nhất nào cho 6G.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang đặt mục tiêu nắm giữ vai trò lớn hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ trên toàn cầu. Theo các nhà phân tích, động thái này có ý nghĩa lớn với sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong các lĩnh vực từ internet di động cho tới trí tuệ nhân tạo. Đây là các tiêu chuẩn được thống nhất trên toàn cầu về những quy định liên quan tới việc vận hành, ứng dụng công nghệ.

Cũng theo kế hoạch 5 năm nói trên, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy khả năng tự chủ trong các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn, đồng thời đẩy mạnh phát triển mảng điện toán đám mây, xây dựng trung tâm dữ liệu lớn và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cam kết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ đối với lĩnh vực công nghệ trong nước. Năm qua, Chính phủ nước này đã siết chặt quản lý với các công ty internet và đưa ra nhiều quy định mới từ chống độc quyền cho tới bảo vệ dữ liệu người dùng.

“Trung Quốc sẽ tìm hiểu việc thiết lập các phương pháp quản trị tương ứng với sự phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế số. Bên cạnh đó, sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý khác nhau và tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng”, tài liệu của Quốc vụ viện Trung Quốc nêu rõ.