12:14 23/01/2019

Trung tâm khai thác tàu container của VIMC: Sứ mệnh lấy lại ánh hào quang xưa

P.V

Thị trường tàu container nội địa trên tuyến chính Bắc Nam với mức độ cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải biển ngày càng gay gắt

Việc "hợp nhất nguồn lực" này tạo tính quy mô khác biệt mà các hãng tàu nội địa khác khó có thể hình thành, từ đó tạo đà khôi phục và phát triển hoạt động khai thác vận tải container của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Việc "hợp nhất nguồn lực" này tạo tính quy mô khác biệt mà các hãng tàu nội địa khác khó có thể hình thành, từ đó tạo đà khôi phục và phát triển hoạt động khai thác vận tải container của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Thị trường tàu container nội địa trên tuyến chính Bắc Nam với mức độ cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải biển ngày càng gay gắt. Nhằm mục tiêu khai thác hiệu quả đội tàu container hiện có, tăng năng lực cạnh tranh, giành thị phần và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã thành lập Trung tâm khai thác tàu container.

"Đơn lẻ, manh mún thì không thể tồn tại"

Đội tàu container của Công ty Vận tải Biển Đông và Công ty Vận tải Container Vinalines (VCSC) mỗi công ty chỉ có 3-7 tàu, dung tích khác nhau, mỗi Công ty tự hoạch định tuyến dịch vụ của mình. Việc kém linh hoạt trong việc điều tiết quy mô dịch vụ khai thác/cho thuê tàu cộng với chi phí quản lý cao do mỗi bên đều phải duy trì riêng một bộ máy khai thác làm giảm tính cạnh tranh do không tạo sự khác biệt so với các hãng tàu vận tải nội địa khác, vốn rất linh hoạt trong kinh doanh.

Thêm vào đó, do không có cơ hội được cơ cấu đội tàu và thiết bị, tàu và vỏ container ngày càng già, tính năng ngày càng yếu so với các hãng tàu trong nước khác. Sớm muộn, các doanh nghiệp này cũng sẽ phải tự thu hẹp do không đủ sức cạnh tranh. VIMC sẽ không còn hoạt động khai thác vận tải container, vốn là lĩnh vực tiên phong và là niềm tự hào của Tổng công ty những năm trước đây.

Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh đánh giá: "Hệ thống khai thác container của VCSC, Biển Đông và Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) vận hành đơn lẻ với thương hiệu của doanh nghiệp mình. Mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh riêng nhưng không tạo được sức mạnh chung, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau trên thị trường khai thác vận tải container".

Tình hình đó cần một sự thay đổi mạnh mẽ, bởi "Đơn lẻ, manh mún thì không thể tồn tại được".

Trung tâm điều hành chung về quản lý và khai thác

Trung tâm khai thác tàu container ra đời sẽ hình thành một hệ thống khai thác, vận hành vận tải container chuyên nghiệp, chắt lọc được những điểm mạnh từ hai hệ thống hiện có của VCSC và Biển Đông thiết lập được từ nhiều năm qua. Ngoài việc thị phần được duy trì và ngày càng mở rộng do tận dụng được quy mô đội tàu container sau khi gom vào một đầu mối là Trung tâm khai thác còn giảm được chi phí quản lý, chi phí thuê văn phòng, các chi phí khác đồng thời bố trí lịch tàu hợp lý tránh trùng lịch tàu khai thác.

Việc "hợp nhất nguồn lực" này tạo tính quy mô khác biệt mà các hãng tàu nội địa khác khó có thể hình thành, từ đó tạo đà khôi phục và phát triển hoạt động khai thác vận tải container của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Ngoài ra, Trung tâm khai thác tàu container còn là kênh trung gian thu hút khách hàng, đối tác nước ngoài cho khối cảng và khối logistics của Tổng công ty, góp phần duy trì ổn định và tăng trưởng nguồn thu, nâng cao hiệu quả tổng thể của sản xuất kinh doanh.

Bà Đỗ Ngọc Trang, Phụ trách Trung tâm khai thác tàu container cho biết: "Tuyến dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển đi/đến các cảng nội địa Việt Nam bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 6/2018. VIMC sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển container đa dạng, ổn định lâu dài về lịch tàu, thiết bị cũng như các dịch vụ gia tăng khác với mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng".

Bà Trang cũng cho biết, vào thời điểm hiện tại Trung tâm có ít nhất 4-5 tàu container hoạt động chuyên tuyến nội địa Bắc Nam, sẽ chủ động và linh hoạt điều tiết dịch vụ, bố trí lịch tàu, hiệu suất khai thác các tàu sẽ đạt mức cao nhất.

Trong chiến lược phát triển vận tải biển sau cổ phần hóa, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) định hướng mở rộng hoạt động trên các tuyến liner trong khu vực, đáp ứng yêu cầu feeder cho các tàu mẹ vào cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải và đến các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực. VIMC cũng đưa ra mục tiêu tiến tới tham gia các liên minh vận tải biển quốc tế nhằm có sự hiện diện là một đơn vị trung chuyển hàng container trong khu vực.