11:20 14/08/2012

Truy cập Internet quốc tế chậm do đứt cáp quang

Phúc Minh

Việc trao đổi thông tin liên lạc đi nước ngoài của khách hàng như duyệt web, email, thư thoại, video... trong 2 ngày nay bị chậm

Sự cố này đã khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.
Sự cố này đã khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.
Việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài như duyệt web, email, thư thoại, video... trong 2 ngày nay bị chậm, là do sự cố đứt tuyến cáp AAG phân đoạn Vũng Tàu - Hồng Kông.

Theo thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, sự cố đứt cáp trên xảy ra vào lúc 1h21 sáng ngày hôm qua (13/8). Sự cố này đã khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng, như Viettel, VNPT hay FPT Telecom.

Do sự cố đứt cáp quang biển quốc tế trên, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài như duyệt web, e-mail, thoại, video… sẽ vẫn chập chờn do lưu lượng dồn sang hướng dự phòng nên có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.

FPT Telecom khuyến cáo khách hàng nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng, còn những dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước. Ngoài ra, FPT cho biết đã liên tục mở rộng băng thông quốc tế nhằm tăng thêm dung lượng sử dụng cho khách hàng và hạn chế ảnh hưởng khi một trong các hướng kết nối quốc tế gặp sự cố.

Năm 2011, tuyến cáp quang biển AAG đã vài lần xảy ra sự cố hoặc phải bảo dưỡng làm ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền Internet của người sử dụng. AAG có các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Brunei), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hồng Kông), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)...

Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km, cập bờ tại Vũng Tàu và chính thức hoạt động từ tháng 11/2009.