07:26 22/06/2023

Truyền thông chính sách - kinh nghiệm từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Lý Hà

Báo chí là một trong những kênh thông tin cơ bản để truyền thông chính sách. Tuy nhiên để làm tốt việc truyền thông này, cần tháo gỡ vướng mắc do cơ chế, chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời, cần sự phối hợp đồng bộ giữa báo chí với các cơ quan này.

Báo chí là một trong những kênh thông tin cơ bản để truyền thông chính sách
Báo chí là một trong những kênh thông tin cơ bản để truyền thông chính sách

Công tác truyền thông chính sách luôn được các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước các cấp nhấn mạnh trong các nghị quyết của mình, đó là phải tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các nội dung để cán bộ, đảng viên, nhân dân biết mà thực hiện.

Hình thức truyền thông chính sách qua báo in, báo mạng, báo nói, báo hình luôn được chú trọng và thực tế nó đã phát huy hiệu quả đưa chính sách đến với cuộc sống. Nhiều tổ chức, cơ quan cùng với báo chí đã làm rất tốt công việc này, nhưng cũng nảy sinh vài vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí cần tháo gỡ.

MỤC TIÊU TỪ DÂN BIẾT ĐẾN DÂN LÀM

Ngày 21/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách, xác định đây là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách.

Truyền thông chính sách đã và đang được thực hiện từ trước tới nay, bởi vai trò của truyền thông chính là nhằm tăng cường sự hiểu biết và thay đổi nhận thức về các quy định, biện pháp của Nhà nước nói chung, Chính phủ nói riêng nhằm thực hiện đúng, tốt các quy định, biện pháp đó để đạt được mục tiêu đề ra của chính sách.

Chỉ thị 07 nêu rõ: “truyền thông chính sách là hệ thống các nỗ lực chủ động chủ trì và tương tác hai chiều của Nhà nước được thiết kế có chủ đích nhằm tiếp nhận và chia sẻ thông tin về chính sách cũng như quá trình chính sách đến đối tượng chính sách nhằm thúc đẩy hiểu biết, phản biện, đồng thuận, sự tin cậy qua lại giữa Nhà nước nói chung và các chủ thể chính sách nói riêng vì lợi ích công cộng”.

Truyền thông chính sách - kinh nghiệm từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Ảnh 1

Như vậy, truyền thông chính sách là quá trình liên tục trao đổi thông tin về chính sách của Nhà nước để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, tổ chức và của toàn xã hội.

Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg để một lần nữa thống nhất nhận thức với các bộ, ngành, địa phương rằng đây là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của mình, coi báo chí là một loại hình truyền thông quan trọng.

Về phía báo chí, để thực hiện nhiệm vụ truyền thông quan trọng này thì phải có kinh phí, điều này liên quan đến kinh tế báo chí, làm sao cơ quan báo chí tăng nguồn thu để hoạt động, thực hiện tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Câu chuyện kinh tế báo chí hiện đang còn nhiều vướng mắc, cần có sự thay đổi từ nhiều bên liên quan, đặc biệt là thay đổi tư duy quản lý báo chí.

Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho bài toán kinh tế báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng tiêu chí để xác định các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, với quan điểm, nguyên tắc là những hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thì Nhà nước sẽ đảm bảo về kinh phí, có thể bằng cơ chế đặt hàng, mua dịch vụ... để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết với chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách tới các bộ, ngành, địa phương, tất cả đều nhằm mục tiêu “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương sẽ bố trí nguồn lực cho truyền thông chính sách, trong đó sẽ đặt hàng báo chí. Đây cũng là cách tạo điều kiện tăng thêm nguồn thu cho báo chí khi được các cơ quan nhà nước đặt hàng.

ĐỔI MỚI, LINH HOẠT TRONG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG

Khi đặt hàng cho cơ quan báo chí làm truyền thông chính sách, đương nhiên cơ quan báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình với sứ mệnh “khơi dậy tinh thần, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”. Cơ quan báo chí cũng cần đổi mới theo tinh thần của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng: xác thực, dẫn dắt, tiên phong, đổi mới, dấn thân. Giữ cái bất biến ấy để ứng vạn biến. Muốn đi xa thì càng phải về gần”.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã có những tiến bộ, đổi mới theo tinh thần như vậy, nên đã tạo được sự tin cậy để hợp tác truyền thông chính sách cho một số địa phương, bộ, ngành như: Hải Dương, Bắc Ninh, Đà Nẵng…; Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế… Các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc làm, thất nghiệp; Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội... đều được truyền thông trên các phương tiện, ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Số lượng người đọc, tìm hiểu các nội dung này cũng rất lớn và đều có những phản hồi tích cực đến Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Từ những kinh nghiệm hợp tác truyền thông với Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các cơ quan khác, chúng tôi thấy muốn làm truyền thông chính sách tốt, trước hết, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo công tác truyền thông sát sao, định kỳ gặp gỡ báo chí để cập nhật thông tin, định hướng chính sách cần truyền thông cho báo chí.

Thứ hai, cần xây dựng bộ máy cán bộ làm công tác truyền thông có năng lực để thực hiện truyền thông một cách bài bản, cần có việc điều tra, khảo sát từ chiều ngược lại đối với chính sách; đồng thời, chú trọng tới các bài viết tốt, các công cụ, mô hình truyền thông hiện đại.

Đây là bộ phận chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời về nội dung cần truyền thông, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm cho báo chí, nơi tổ chức cho báo chí đi thực tế gặp gỡ các đối tượng cần truyền thông.

Thứ ba, có nguồn kinh phí kịp thời để hỗ trợ cho công tác truyền thông, đồng thời cùng báo chí tính toán thỏa thuận chi phí hợp lý nội dung truyền thông theo quy định của Nhà nước một cách thuận lợi, rõ ràng. 

Thứ tư, đối với cơ quan báo chí cần đổi mới, nâng cao kiến thức để chủ động phối hợp, nắm bắt các kế hoạch, chương trình của cơ quan đưa ra chính sách, từ đó thống nhất nội dung truyền thông sao cho chất lượng, đạt hiệu quả cao.

Thực tế, những năm qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã làm rất tốt cả bốn vấn đề nêu trên. Công tác truyền thông chính sách của Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn cho thấy sự đổi mới theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang hợp tác cùng báo chí nói chung và Tạp chí Kinh tế Việt Nam nói riêng để đưa ra các ấn phẩm truyền thông theo hướng đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng theo các yêu cầu tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Đề án “Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội”.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Truyền thông chính sách - kinh nghiệm từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Ảnh 2