10:15 07/10/2021

Truyền thông cho công nghệ mới: “Bài toán” không dễ giải

Hoàng An

Dù đóng vai trò như bệ đỡ quan trọng cho các start-up vươn xa hơn trên thị trường, giới truyền thông vẫn gặp nhiều thách thức trong việc “ứng xử”với các công nghệ tiên phong...

Truyền thông giúp startup đi xa hơn
Truyền thông giúp startup đi xa hơn

Truyền thông trong lĩnh vực công nghệ gặp nhiều khó khăn xuất phát từ tính phức tạp của công nghệ. Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong" chiều 5/10, ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, các công nghệ mới dù mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng không dễ để diễn giải.

“Ví dụ về công nghệ 5G đang được triển khai ứng dụng trên thế giới, nhưng để giải thích về công nghệ này cũng như lợi ích của nó thông qua truyền thông thì đó luôn luôn là một bài toán khó”, ông Nam nói.

Theo Khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Statista năm 2020, Việt Nam đứng thứ hai về mức độ phổ biến blockchain. Điều đó cho thấy khả năng tiếp cận và quan tâm tới công nghệ của thế hệ trẻ Việt Nam cạnh tranh được với quốc tế. Nếu có sự đầu tư hợp lý và truyền thông hiệu quả, Việt Nam sẽ phát triển nhiều lĩnh vực công nghệ mang tính dẫn dắt.

Trong lĩnh vực start-up, truyền thông hiệu quả cũng không chỉ dừng lại ở đưa tin hay xoay quanh thông cáo báo chí, hay hội thảo. Theo bà Lê Mai Anh, Chuyên gia truyền thông quảng cáo, Giám đốc Global PR Hub, cựu Giám đốc vùng tờ PRNewswire Vietnam, hầu hết các start-up, nhà sáng lập có một tham vọng rất lớn, đó là vượt xa hơn lãnh thổ Việt Nam, tiếp cận đến thị trường quốc tế. Truyền thông sẽ đóng vai trò giúp khai phá thị trường mới rộng hơn. Tuy nhiên, vì sản phẩm của nhiều start-up còn mới và có sự đặc biệt, người làm truyền thông cần học, nghiên cứu và thậm chí là “thích nghi” với những cái mới đó.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation cho hay, vai trò của truyền thông không đơn giản là giới thiệu mà còn kiến tạo thị trường và môi trường để các start-up được động viên khuyến khích. “Bài toán cho người làm truyền thông bây giờ là tìm ra cách tương tác với người tiếp cận thông tin. Họ phải dẫn dắt người nghe qua các hành trình trải nghiệm cụ thể, tùy theo nhu cầu của mỗi người”, ông Vinh nói.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng chính phủ đã bổ sung thêm quyết định 188 ban hành vào đầu năm để mở rộng Đề án 844 và tăng cường chiều sâu hệ sinh thái. Trong mục tiêu xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng - vừa nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá khởi nghiệp sáng tạo, vừa để truyền tải những thông điệp, những mô hình hay, những công nghệ mũi nhọn giúp cho thế hệ trẻ có thể tiếp thu và triển khai trong nước. 

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết, tháng 10 năm nay, Bộ cùng kết hợp với Uỷ ban nhà nước người Việt ở nước ngoài sẽ kết nối những người đã có uy tín ở nước ngoài, những tổ chức, nhà khoa học, người làm công nghệ ở nước ngoài để xây dựng mạng lưới tư vấn về đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

“Ngoài ra, chúng tôi sẽ kết nối với các vườn ươm, các trường đại học, các đơn vị truyền thông để “chuyển lửa” về quê hương - chuyển giao công nghệ, chuyển tri thức, chuyển mạng lưới cung cấp cho thế hệ trẻ một tầm nhìn, một hướng đi, một mạng lưới những người dìu dắt đồng hành cùng họ”, ông Quất cho hay.