11:05 27/10/2008

Truyền thông, quảng cáo lao đao

Đăng Huân

Theo một giám đốc trong ngành, hiện có nhiều công ty truyền thông đang trong tình trạng “thân to ruột rỗng”

Đánh giá về việc các tập đoàn thành lập các công ty truyền thông trong thời gian qua, ông Đàm Minh Thụy, Tổng giám đốc Công ty Dolphin Media cho rằng đây chỉ là kiểu đầu tư theo phong trào.
Đánh giá về việc các tập đoàn thành lập các công ty truyền thông trong thời gian qua, ông Đàm Minh Thụy, Tổng giám đốc Công ty Dolphin Media cho rằng đây chỉ là kiểu đầu tư theo phong trào.
Chính sách xã hội hóa truyền hình cách đây một năm dẫn đến các công ty truyền thông quảng cáo mọc lên như nấm, tuy nhiên hiện nay các công ty này đang gặp khó.

Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại điện tử Thanh Long, đa số các công ty truyền thông hiện nay chủ yếu đi làm dịch vụ bán quảng cáo còn làm truyền thông như đúng tên gọi thì không nhiều.

Năm 2007 ra đời nhiều kênh truyền hình trên hệ thống analog lẫn cáp và kỹ thuật số như VTV9, VTV6, VTC5...Việc xây dựng chương trình trên các kênh này được các “nhà đài” kêu gọi theo hướng xã hội hóa.

Kết quả là trong năm 2007, bên cạnh những công ty đại gia trong lĩnh vực truyền hình như Đất Việt, Cát Tiên Sa, Lasta, BHD, Kiết Tường... nhiều công ty ngoài ngành cũng đầu tư vào truyền hình.

Ví như Tập đoàn Đại Dương đầu tư phát triển kênh InfoTV, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam thành lập Smedia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành lập PV Media, Tập đoàn Than và Khoáng sản đầu tư Green Media, Tập đoàn VIT đầu tư VITMedia, Tập đoàn FPT đầu tư FPT Media...

Bùng nổ chương trình truyền hình

Các công ty này tham gia vào các lĩnh vực ca nhạc, game show, truyền hình thực tế, chuyên đề dành cho phụ nữ, thời sự, sức khỏe, chứng khoán. Có thể kể ra một số chương trình như “Đấu trí trên VTV3”, “Cô gái xấu xí” trên VTV3, “Hãy chọn giá đúng” của BHD, kênh truyền hình về chứng khoán và tài chính InfoTV của Tập đoàn Đại Dương, “Chúc bé ngủ ngon”, “Vượt qua thử thách” của VietBa, Game Hộp đen, Phong cách Tiêu dùng, Lắng nghe cơ thể bạn của VietEvent, TV Shopping (kênh mua bán trên truyền hình) của Smedia...

Theo ông Trần Đức Minh, Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Thiết kế đồ họa Việt Nam (CG Việt Nam), một số chương trình gameshow trong thời gian qua không chất lượng, quảng cáo thì xô bồ chiếm quá thời lượng của chương trình do vậy đã tạo ra làn sóng phản đối của khán giả.

“Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với việc quảng cáo trên những chương trình này”, ông Minh nói. Đánh giá về việc các tập đoàn thành lập các công ty truyền thông trong thời gian qua, ông Đàm Minh Thụy, Tổng giám đốc Công ty Dolphin Media cho rằng đây chỉ là kiểu đầu tư theo phong trào.

“Các công ty này chủ yếu phục vụ các tập đoàn mẹ là chính nên nhiều khi không chuyên nghiệp”, ông Thụy nói. Ông cho biết thêm: “Hơn nữa, các công ty này không có phương tiện để thực hiện, sống được là nhờ có “bầu sữa” của tập đoàn mẹ nên khi tập đoàn mẹ có vấn đề thì lập tức bị ảnh hưởng”.

Quảng cáo không phải là con đường lâu dài

Theo một giám đốc trong ngành, hiện có nhiều công ty truyền thông đang trong tình trạng “thân to ruột rỗng”. Bằng chứng là Công ty PVFC Media thuộc Công ty Tài chính dầu khí PVFC được thành lập với vốn điều lệ 100 tỷ đồng giờ phải sáp nhập vào PV Media.

“Trước đây, PVFC Media đã có ý định cùng với Vietba Media mở kênh Invest TV nhưng bây giờ Vietba mở với một đối tác khác”, ông này nói. “Thậm chí PVFC Media đã ra kênh này và thuê công ty truyền thông Media One thực hiện. Tuy nhiên, xong 3 số demo thì họ (PVFC Media) thấy rằng không thể làm được nữa vì sẽ không có quảng cáo nên phải bỏ dự án này”.

Trong điều kiện các doanh nghiệp cắt giảm chi phí quảng cáo làm cho nhiều công ty truyền thông đứng trước bờ vực phá sản. Theo ông Minh (CG Vietnam), khoảng 10 tháng gần đây ngân sách dành cho truyền thông quảng cáo của các doanh nghiệp bị cắt giảm triệt để.

Ông nói: “Rất nhiều hợp đồng quảng cáo đã được lên kế hoạch nhưng bị đình hoãn vô thời hạn hoặc bị giảm quy mô làm cho các công ty truyền thông rất khó khăn”. Theo bà Huyền (VietEvent), trước đây, lúc thị trường quảng cáo sôi động, có khi chỉ vài tháng là đã thu hồi được vốn, nhưng tình hình này, tự các doanh nghiệp đã phải cạnh tranh nhau để nhanh chóng giải phóng quyền lợi truyền hình của mình.

Theo ông Minh, các công ty nhỏ với chi phí hoạt động thấp có thể chèo lái tốt nên linh hoạt hơn, các công ty lớn có phần lớn lượng khách hàng nước ngoài nên vẫn có thể tồn tại vì có uy tín và nền tảng tốt. Còn các công ty tầm trung vì thị trường không lớn mà hiện nay đối tượng trực tiếp của những công ty này cũng là những khách hàng tầm trung nên họ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong hoàn cảnh như hiện nay, theo bà Huyền các công ty nên chú trọng vào những chương trình có chất lượng, đầu tư theo chiều sâu hơn là đầu tư dàn trải và quan trọng hơn nữa là phải tin tưởng vào tương lai gần, thị trường quảng cáo sẽ sôi động trở lại.

Bất chấp những khó khăn hiện tại, ông Hồng cho biết, hiện Thanh Long đang làm việc với đối tác Yahoo và VTC xây dựng kênh truyền hình trực tuyến TTV Online dành cho xây dựng thương hiệu và bảo vệ người tiêu dùng.

Nguyên nhân của việc thành lập kênh truyền hình trực tuyến này theo ông Hồng là để doanh nghiệp có cơ hội nói được nhiều hơn về mình và sản phẩm trong khi quảng bá trên truyền hình thì quá tốn kém. “Dự kiến đầu năm 2009 sẽ triển khai kênh này”, ông Hồng nói.