TS. Võ Trí Thành “bật mí” yếu tố hấp dẫn nhất để Việt Nam là điểm đến đầu tư
Yếu tố hấp dẫn nhất để Việt Nam trở thành Hub đầu tư thế giới bất chấp những điểm nghẽn về hạ tầng, khó tiên liệu chính sách
"Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không nên xây dựng chiến lược dài hạn, nên làm ngắn và trung hạn, vì có quá nhiều rủi ro, biến động có thể xảy ra. Doanh nghiệp nên thực hiện dự báo trong khoảng thời gian nhất định, có sự điều chỉnh thường xuyên".
Đây là đánh giá của Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quán lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2020 – 2030: Suy thoái hay hưng thịnh" do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức ngày 5/11/2019.
Thương chiến Mỹ Trung có dừng hay không kinh tế toàn cầu vẫn đi xuống
TS. Võ Trí Thành cho rằng, thời điểm hiện nay và vài năm tới thế giới có quá nhiều trắc trở, nhiều biến động, quá nhiều nhiều rủi ro. Dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tiếp tục hay ngừng thì tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn trên đà đi xuống, đặc biệt nền kinh tế các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều đi xuống trong 2-3 năm tới. Mức độ đi xuống của mỗi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giá cả … chính sách vĩ mô của các nước lớn, đặc biệt là chính sách tiền tệ của EU, FED.
Thị trường tài chính có bong bóng lớn và người ta muốn đưa chính sách tiền tệ về trạng thái bình thường, nhưng hàng chục nước đã phải nới lỏng tiền tệ ngay cả khi chính sách tiền tệ chưa về trạng thái bình thường.
Có rất nhiều đánh giá cho rằng cuối năm 2020 sang năm 2021 thế giới sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng dù không lớn như cuộc khủng hoảng năm 2008. Có nhiều lý do cho đánh giá trên như bong bóng tài chính, thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ nới lỏng; lãi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ rất thấp, thấp hơn lãi suất trái phiếu ngắn hạn; nợ công của các nước châu Âu, của Mỹ rất cao.
Nhìn về dài hạn, theo TS. Võ Trí Thành, có 7 xu hướng lớn trong khoảng 7-8 năm tới: (i) Cuộc chiến địa chính trị giữa các cường quốc, câu chuyên thể hiện rõ nhất là Mỹ - Trung; Nga; (ii) Cấu trúc dân số già bên cạnh quá trình đô thị hóa nhanh, và nổi lên tầng lớp trung lưu trong đó có châu Á, Việt Nam; (iii) Cuộc cách mạng 4.0, công cuộc chuyển đổi số. (iv) Các hiệp định thương mại tự do (FTAs) có rất nhiều trục trặc; (v) Biến đổi khí hậu và cạnh nguồn lực (vi) Sự nổi lên của châu Á với vai trò chủ đạo của Trung Quốc, Ấn Độ; (vii) Đồng USD mất dần vị thế, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số được nhắc đến nhiều hơn. Nhiều quốc gia có chiến lược phát triển gắn với cách mạng 4.0, chuyển đổi số, phát triển AI…
Thách thức, khó khăn của thế giới trong thời gian tới là kinh tế toàn cầu đang trong thời kỳ quá độ - thoát cũ xây mới cực khó, để thoát ra khỏi cái cũ cần tốn chi phí cao; cái mới thì nhiều cái chưa biết. Và xung đột này xuất phát từ thế giới chưa có chuẩn mực dịch chuyển data qua biên giới, bởi thế giới chưa có lời giải đáp thỏa đáng về quyền sở hữu, quyền tài sản và quyền riêng tư.
Hơn nữa, thế giới có quá nhiều rủi ro và vì vậy các dự báo không phải là 1 con số như trước đây mà nằm trong khoảng số. Việt Nam, Singapore, Phillipines… đều đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế nằm trong khoảng và dự báo được điều chỉnh thường xuyên.
Muốn thành nước thu nhập trung bình cao, GDP phải tăng bình quân 7,5%/năm
Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở cao, chỉ thua Singapore, là một đột phá cao. 5 năm qua, Việt Nam xuất hiện nhiều tập đoàn tư nhân tầm cỡ, dù vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn không thể lớn được. Vấn đề đặt ra là thể chế, năng suất, môi trường, khoảng cách giàu nghèo,...
Hiện Việt Nam đang cải cách. Cách đây 5 -7 năm, nhiệm vụ chính được đặt ra là ổn định vĩ mô và cải cách cơ cấu, ngân hàng, tài chính, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ Việt Nam nói về sáng tạo, start-up, công nghệ.
Về tăng trưởng kinh tế, TS. Võ Trí Thành chưa biết kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm tới của Việt Nam như thế nào, nhưng chắc chắn kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng GDP của Việt Nam bình quân là 6,5%. Bởi kinh tế vĩ mô trong 5 năm trở lại đây tốt khi mà lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ trên 72 tỷ USD, thâm hụt ngân sách tốt hơn, dưới 3,6% (loại trả nợ gốc).
"Chúng ta có những thuận lợi áp lực tỷ giá không lớn; lạm phát thấp; khả năng bơm tiền của Ngân hàng Nhà nước là cực tốt, đảm bảo thanh khoản không tăng cung tiền tệ nhưng chúng ta phải ứng xử sao để Hoa Kỳ không còn đưa Việt Nam vào nhóm nước thao túng tiền tệ. Hiện cách giải trình của Việt Nam với Hoa Kỳ là vô cùng hợp lý", TS. Võ Trí Thành nói.
Việt Nam có khát vọng vượt lên thế giới ở một số lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực kinh tế số, trong 10 -15 năm tới trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cho rằng muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao, Việt Nam phải có tăng trưởng kinh tế bình quân trong 10 năm tới là 7,5%/năm.
Việt Nam đang trở thành Hub đầu tư của thế giới
Về góc nhìn thị trường, các nhà đầu tư nhìn thế nào về Việt Nam? Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về thu hút đầu tư vì địa chính trị, dân số trẻ, dịch chuyển thương mại, cam kết cải cách hội nhập. Nhưng theo TS. Võ Trí Thành một trong những yếu tố hấp dẫn nhất để Việt Nam trở thành điểm đến (Hub) đầu tư là chơi với Việt Nam dễ dàng như chơi với thế giới, vì Việt Nam có 16 FTAs, bao phủ các thị trường lớn nhất trên thế giới dù Hoa Kỳ đã rút ra khỏi TPP.
"Không chỉ là thị trường 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận rất nhiều thị trường và chơi với nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Nhưng điểm nghẽn của Việt Nam là hạ tầng, nhân lực, lương tăng mạnh; đặc biệt là vấn đề tiên liệu nhất quán chính sách, cách hành văn của các quan chức địa phương để hiểu là không dễ dàng", TS. Võ Trí Thành.
Có 5 nhóm ngành/lĩnh vực của Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai gồm: (i) những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như dệt may, da giày, điện tử, nông sản và thủy sản; (ii) du lịch, giải trí, giáo dục, y tế, dược, phân phối bán lẻ phục vụ người tiêu dùng; (iii) lĩnh vực kết nối, mạng hỗ trợ, chuỗi giá trị sản xuất, logistics; (iv) kết cấu hạ tầng và bất động sản gồm bất động sản nhà ở, văn phòng, du lịch, bán lẻ, khu công nghiệp; (v) lĩnh vực kinh tế nền tảng, kinh tế xanh, đô thị thông minh, fintech, thương mại điện tử…