14:31 18/09/2024

Từ 1/10, thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính kéo dài tối đa 90 ngày

Nhật Dương

Bộ Y tế đồng ý về mặt chủ trương thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính kéo dài tối đa 90 ngày, và giao thẩm quyền cho người đứng đầu các bệnh viện...

Sẽ thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính. Ảnh minh họa.
Sẽ thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính. Ảnh minh họa.

Bộ Y tế cho biết nhận được đề nghị của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính; và Sở Y tế TP. Hà Nội đề nghị triển khai thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú 2 tháng đối với một số bệnh mạn tính tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế về việc giải quyết vấn đề trên, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến các cơ quan, đơn vị, hội y khoa liên quan đến nội dung này.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết Cục cũng có công văn số 1197 đánh giá thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Hiện tại, Cục đang triển khai tổng hợp ý kiến của các đơn vị để xây dựng báo cáo thực hiện thông tư này.

Tính đến ngày 16/8/2024, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được báo cáo đánh giá thực hiện Thông tư 52 của 1.288 đơn vị, bao gồm: 19 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; 37/63 Sở Y tế tỉnh, thành phố; 1.037 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế (gồm bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế, trạm y tế xã); 19 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Bộ/ngành; 176 cơ sở tư nhân. 

Đa số đơn vị báo cáo triển khai thực hiện Thông tư 52 theo quy định, nhưng trong quá trình triển khai có một số vướng mắc đề xuất cần điều chỉnh.

Một số nội dung đề xuất điều chỉnh chủ yếu như: Điều chỉnh thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối đa đối với một số bệnh mạn tính; cập nhật quy định về phân cấp chuyên môn kỹ thuật theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; một số vướng mắc liên quan đến triển khai kê đơn thuốc điện tử; nội dung về in và lưu trữ đơn thuốc khi ứng dụng kê đơn thuốc điện tử.

Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và Hội đồng tư vấn xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Tại cuộc họp về công tác kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đồng ý về mặt chủ trương thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính kéo dài tối đa 90 ngày, và giao thẩm quyền cho người đứng đầu các bệnh viện.

Cụ thể thời gian như thế nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh và các yếu tố khác. Cần phải dựa vào đánh giá cụ thể của bác sĩ điều trị.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cần có đề xuất cụ thể, lựa chọn các bệnh viện phù hợp đưa vào thí điểm, dựa vào đó các Giám đốc bệnh viện sẽ ban hành danh mục thí điểm cho từng đơn vị.

Thời gian thí điểm là 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/10/2024 đến hết tháng 3/2025. Sau đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ đánh giá, tổng kết, đề xuất, và sẽ chính thức đưa vào thông tư một cách phù hợp.

Trong khi chờ thí điểm, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục hoàn thiện thông tư, xin ý kiến các đơn vị về dự thảo thông tư. Sau khi có đủ thông tin góp ý, sẽ triển khai các hội nghị, hội thảo hoàn thiện thông tư, đánh giá hiệu quả hoạt động thí điểm kéo dài thời gian kê đơn thuốc ngoại trú các loại bệnh mạn tính, đặc biệt lưu ý tới hiệu quả của hoạt động điều trị với các mặt bệnh đặc thù (lao, HIV…) với sự phối hợp của Giám đốc các bệnh viện.