Từ 10/10, bay nội địa mỗi ngày có 38 chuyến
Ngành hàng không sẽ khai thác lại 19 đường bay trên cả nước từ ngày 10/10, bao gồm cả chặng đến 3 tỉnh, thành phố kiên quyết “đóng cửa” đường bay trước đó, là Hải Phòng, Hà Nội và Gia Lai...
Tối ngày 8/10, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 1776/QĐ-BGTVT quy định tạm thời triển khai đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thời gian áp dụng thí điểm từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021.
19 TỈNH, 38 CHUYẾN BAY/NGÀY TRONG THỜI GIAN THÍ ĐIỂM
Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, Bộ cho khai thác trở lại 19 đường bay chở khách với 38 chuyến khứ hồi mỗi ngày. Trong đó, các chặng hai chiều giữa TP. Hồ Chí Minh và Bình Định/Đà Nẵng/Huế/Khánh Hòa/ Nghệ An/Phú Yên/Quảng Bình/Quảng Nam/Thanh Hóa/ Hải Phòng/Phú Quốc/Gia Lai/Rạch Giá có tần suất một chuyến mỗi ngày.
Đường bay Đường bay giữa Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh/Đà Nẵng; Đà Nẵng – Cần Thơ/Đắk Lắk; Thanh Hóa – Lâm Đồng cũng một chuyến khứ hồi mỗi ngày. Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ khai thác linh hoạt theo tình hình dịch.
Như vậy, trong kế hoạch mới của Bộ Giao thông vận tải, 3 tỉnh, thành phố trước đây kiên quyết từ chối, “đóng cửa” đường bay, gồm Hải Phòng, Gia Lai, Hà Nội đều sẽ khai thác lại vào dịp 10/10 tới đây.
Cụ thể, Hải Phòng có một chuyến khứ hồi đến TP. Hồ Chí Minh. Hà Nội có hai chuyến khứ hồi đến Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai có một chuyến đi TP. Hồ Chí Minh hàng ngày.
KHÁCH BAY PHẢI XÉT NGHIỆM ÂM TÍNH, TIÊM ĐỦ 2 LIỀU VACCINE
Theo Quyết định, các hãng hàng không chỉ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên: hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.
Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, hành khách được yêu cầu tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Hành khách phải khai báo y tế, hoàn thành cam kết phòng chống dịch; không được lên máy bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...
Sau chuyến bay, hành khách chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú. Tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 kể từ ngày về địa phương; thực hiện 5K.
“Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định”, Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Ngay khi Bộ Giao thông vận tải ban hành kế hoạch bay, các hãng hàng không đã lên phương án vận chuyển và bắt đầu mở bán vé đến hết ngày 20/10.
Quyết định được ban hành sau khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về việc triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại vận chuyển hành khách nội địa trong nước vào chiều 8/10.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đề nghị cho phép thành phố cách ly 7 ngày đối với hành khách tại khu cách ly của thành phố hoặc tại các khách sạn do thành phố chỉ định. Thành phố sẽ thông báo cụ thể các khách sạn được đón người cách ly.
Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa nêu thực tế bà con đi từ phía Nam về Thanh Hóa bằng đường bộ rất lớn và đã có phát sinh ca lây nhiễm. Tỉnh cũng đang tính phương án đón người dân về quê bằng cả đường sắt. Theo dự thảo, Thanh Hóa có 4 đường bay với tần suất 1 chuyến/ngày, tuy nhiên tỉnh đề xuất chỉ bay tuyến Thanh Hóa – TP. Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/1 tuần.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ: “Việc khôi phục các chuyến bay rất là cần thiết trong tình hình hiện nay” để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, dần đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường”.
Tuy nhiên, việc phục hồi các tuyến bay cho hành khách và nhân dân đi lại cũng tiềm ẩn phát sinh nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh, có nguy cơn bùng phát thành các ổ dịch mới, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, sức khỏe của nhân dân.
Vì vậy, việc triển khai phải bảo đảm hết sức thận trọng, cần tập trung cao việc lãnh đạo, chỉ đạo. Muốn vậy, phải tiến hành từng bước và mở rộng dần, trước hết là tổ chức thí điểm từ ngày 10 – 20/10.
“Quan điểm là phải rất thận trọng để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ trung ương đến địa phương, “nếu không tổ chức phối hợp tốt thì rất dễ gây bùng phát dịch, mặc dù tổ chức ít chuyến bay”.