17:34 20/11/2024

Từ 16/12, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng

Ánh Tuyết

Nhiều mặt hàng được điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi từ ngày 16/12 tới đây nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi trong công tác phân loại, áp mã của cơ quan hải quan...

Mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi được giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 2% xuống 1%.
Mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi được giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 2% xuống 1%.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp ngoài hạn ngạch thuế quan. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 16/12/2024.

Nghị định được ban hành để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

 

"Nghị định điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi, được phân loại vào mã HS 2304.00.90 từ 2% xuống 1% để giảm chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi". 
(Bộ Tài chính)

Mặt hàng đầu tiên có tác động lớn đến sản xuất trong nước được hưởng chính sách nói trên là khô dầu đậu tương. Đây là sản phẩm từ quá trình ép dầu hạt đậu tương và là thành phần quan trọng sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.  

Theo số liệu cập nhật đến cuối năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam chỉ có thể sản xuất được khoảng 20% tổng nhu cầu và đậu tương sử dụng để ép dầu chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu do Việt Nam không có lợi thế về sản xuất đậu tương.

Bộ Tài chính cho rằng việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho ngành sản xuất khô dầu đậu tương trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, trong khi đó, vẫn góp phần giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi và doanh nghiệp cũng có thể chủ động hơn về nguồn cung. Đồng thời, việc giảm mức thuế suất MFN xuống 1% vẫn tạo dư địa đàm phán cho các FTA Việt Nam sẽ ký kết trong tương lai, đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc về ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Từ 16/12, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng  - Ảnh 1

Tiếp theo, nghị định điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử và các thiết bị điện hóa hơi cá nhân tương tự (mã HS 8543.40.00) bằng mức với các loại thuốc lá khác là 50%.

Theo đánh giá, mặt hàng thuốc lá là mặt hàng nhạy cảm cao và thuộc diện phải quản lý chuyên biệt nên từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay và trong suốt quá trình đàm phán các Hiệp định FTA, Việt Nam luôn có quan điểm thống nhất giữ mức cam kết thuế tối đa, không cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu hoặc nếu phải cắt giảm thì sẽ kéo dài thời gian cắt giảm dài nhất có thể. Đây cũng là mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên cần thiết phải hạn chế sử dụng.

Việc thống nhất mức thuế suất MFN là 50% là cần thiết để đảm bảo quản lý tương tự như các mặt hàng thuốc lá truyền thống khác; đồng thời hạn chế được những tác động tiêu cực khi mặt hàng này được cấp có thẩm quyền lưu hành tại Việt Nam.

Riêng mặt hàng tiền chất thuốc nổ Amoni Nitrat có hàm lượng NH4NO3≥98,5% (HS 3102.30.00.10) đã được chi tiết cụ thể và áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0%.

Ngoài ra, để đơn giản hóa biểu thuế, giảm bớt thủ tục hành chính do không có tiêu chí phân biệt rõ, Bộ Tài chính cho biết nghị định cũng gộp dòng của mặt hàng kẽm, thiếc chưa gia công tại Biểu thuế xuất khẩu.

Bộ Tài chính cho biết hiện mặt hàng kẽm chưa gia công (nhóm 79.01) và thiếc chưa gia công (nhóm 80.01) đang được chi tiết thành hai mã hàng 10 số, phân biệt theo dạng thỏi hoặc hình dạng khác và đều có mức thuế suất thuế xuất khẩu của các hình dạng này bằng nhau là 10%.

"Do không có tiêu chí cụ thể về dạng thỏi như mô tả theo hình vuông hay chữ nhật hoặc kích thước, khối lượng nên cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc phân loại vào nhóm dạng thỏi hay nhóm hình dạng khác", Bộ Tài chính nêu rõ vướng mắc.

Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ gộp dòng của các mã HS 10 chữ số có thuế suất bằng nhau của các mặt hàng nêu trên để tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan trong trong quá trình kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế của doanh nghiệp. Việc gộp dòng này không thay đổi về thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng nêu trên mà chỉ nhằm thuận lợi trong khai báo và giảm thủ tục hành chính.

Tương tự, mặt hàng máy xới đất cầm tay (mã HS 8701.10.11) có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 20% và mặt hàng máy kéo trục đơn dùng cho nông nghiệp (mã HS 8432.29.00) có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 30% được điều chỉnh cùng mức thuế suất 20%.

Từ đó, tạo thuận lợi cho công tác phân loại, áp mã của cơ quan hải quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đó là áp dụng thống nhất mức thuế suất đối với hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng, có tính năng kỹ thuật tương tự.