14:42 07/09/2021

Từ cuối tháng 10, Malaysia sẽ bắt đầu coi Covid-19 như bệnh cúm

Bình Minh

Malaysia sẽ bắt đầu coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu (endemic), thay vì đại dịch (pandemic), từ cuối tháng 10 - Bộ trưởng Bộ Công thương nước này, ông Mohamed Azmin Ali, cho biết ngày 7/9...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Covid sẽ trở thành bệnh đặc hữu khi virus Sars-CoV2 gây ra bệnh này hiện diện vĩnh viễn trong cộng đồng và tiếp tục lây nhiễm. Các bệnh đặc hữu khác gồm có bệnh cúm, bệnh sốt xuất hiện, và bệnh sốt rét.

Đến thời điểm hiện tại, Malaysia vẫn đang nỗ lực kiểm soát đà leo thang của số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Chính phủ Malaysia đã phải áp nhiều đợt phong toả liên tiếp, chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế để chống sự lây lan của virus. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Malaysia hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 còn 3-4%, từ mức 6-7,5% đưa ra trước đó.

Số ca nhiễm mới bình quân 7 ngày gần nhất ở Malaysia hiện đã giảm dưới 20.000 ca, từ mức đỉnh khoảng 22.000 ca hồi cuối tháng 8 - theo dữ liệu từ Our World in Data. Số ca tử vong đang dao động quanh mức 300 ca/ngày.

Tuy nhiên, theo ông Azim, nền kinh tế Malaysia khá vững vàng trong đợt bùng dịch này, với sự phục hồi tiếp tục diễn ra nhờ nhu cầu mạnh tại các thị trường xuất khẩu và các dự án hạ tầng đang được triển khai.

“Sự sẵn có và dễ tiếp cận của vaccine là những nhân tố chủ trong việc đảm bảo phục hồi kinh tế”, ông Azim nói với hãng tin CNBC.

Theo vị Bộ trưởng, dự kiến đến giữa tháng 10, hơn 75% dân số trưởng thành của Malaysia sẽ được tiêm đủ vaccine. Hiện tại, 88% người trưởng thành, tương đương khoảng 63% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết trong mấy tuần tới đây, Chính phủ nước này sẽ đơn giản hoá một số biện pháp giãn cách xã hội để chuẩn bị cho giai đoạn coi Covid như bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn sẽ là yêu cầu bắt buộc để ngăn sự lây lan của virus, ông Khairy cho hay.

Ngoài Malaysia, một số nước Đông Nam Á khác gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines cũng đang trải qua một đợt bùng dịch tồi tệ do biến chủng Delta. Khu vực này đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là về các sản phẩm linh kiện bán dẫn và hàng may mặc.

Trao đổi với CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Joseph Incalcaterra của HSBC nhấn mạnh rằng Malaysia là một nước sản xuất chính về linh kiện bán dẫn cho ô tô, trong khi thế giới đang ở trong một cuộc khủng hoảng khan hiếm linh kiện bán dẫn, đặc biệt là thiếu con chip ô tô. Một tin tốt là năng lực ngành sản xuất của Malaysia đang phục hồi nhanh - ông Incalcaterra cho hay.

“Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào Việt Nam, một nước sản xuất chính các sản phẩm may mặc, đặc biệt là vùng phía Nam của nước này, bạn sẽ thấy ảnh hưởng sẽ kéo dài trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng tới đây”, vị chuyên gia dự báo.