09:28 30/08/2021

Số ca nhiễm tăng mạnh, Australia tranh cãi về “sống chung với Covid”

An Huy

Australia báo cáo số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục 1.323 ca vào ngày Chủ nhật (29/8), trong bối cảnh nước này tranh cãi dữ dội quanh việc có nên bắt đầu “sống chung với Covid”...

Một bệnh viện ở Sydney, Australia hôm 24/7 - Ảnh: Getty/CNBC.
Một bệnh viện ở Sydney, Australia hôm 24/7 - Ảnh: Getty/CNBC.

New South Wales (NSW), bang đông dân nhất của Australia và đang là tâm điểm của đợt bùng dịch này, ghi nhận 1.218 ca nhiễm mới, vào đúng thời điểm nhà chức trách bang đang chuẩn bị nới một số hạn chế sau 9 tuần phong toả. Đợt phong này dự kiến kéo dài đến hết tháng 9.

Thủ hiến NSW Gladys Berjiklian tuyên bố sẽ mở cửa trở lại một khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 70% dân số từ 16 tuổi trở lên. “Cho dù số ca nhiễm có như thế nào, thì tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi đạt 70% ở NSW cũng đồng nghĩa với tự do cho những người đã tiêm”, bà Berejiklian nói.

Ngày 29/8, bà Thủ hiến cho biết bang của bà đã đi được nửa chặng đường để đạt tới mục tiêu trên.

Tại Victoria - bang đông dân thứ hai của Australia và đang ở trong đợt phong toả thứ 6 kể từ khi đại dịch bắt đầu - số ca nhiễm mới ghi nhận ngày Chủ nhật là 92 ca, cao nhất trong gần 1 năm.

Thủ hiến Victoria, ông Daniel Andrews, nói rằng đợt phong toả dự kiến kết thúc vào ngày thứ Năm tuần này sẽ được gia hạn, nhưng không nói rõ là kéo dài thêm bao lâu. “Ngày hôm nay có quá nhiều ca mới, nên chúng tôi phải xem xét lại kế hoạch mở cửa trở lại trong tuần này”, ông nói.

Lãnh thổ thủ đô Australia (ACT), nơi có thủ đô Canberra, ghi nhận 13 ca nhiễm mới.

So với hầu hết các nước phát triển, Australia chống chọi với Covid-19 tốt hơn. Nước này đến nay ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm và 999 ca tử vong do Covid-19.

Khi đại dịch mới xảy ra, Chính phủ Australia đóng cửa biên giới với thế giới để chống dịch. Sau đó, 6 bang và 2 lãnh thổ của nước này đã phối hợp đa dạng giữa các biện pháp đóng cửa biên giới bang, phong toả, và giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ứng phó với các đợt bùng dịch. Tất cả những biện pháp này đều nhằm mục đích triệt tiêu Covid (zero Covid), tương tự như chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Tuy nhiên, Chính phủ Australia giờ đây cho rằng chiến lược zero Covid - dù thành công ở giai đoạn đầu của đại dịch - trở nên phi thực tế trong bối cảnh biến chủng Delta với mức độ lây lan nhanh đã xuất hiện ở Australia và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã hối thúc các tiểu bang mở cửa trở lại biên giới một khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 70% dân số từ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hai bang hiện gần như sạch Covid là Queensland và Western Australia tỏ ý không muốn hành động theo lời kêu gọi của ông Morrison.

Trên toàn quốc, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hiện mới đạt 33,7% tổng số đối tượng tiêm. Dù vậy, trong những tuần gần dây, Australia đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, và với tốc độ như hiện nay, tỷ lệ tiêm đến giữa tháng 11 có thể đạt 80%.

“Sống chung với virus là hy vọng duy nhất của chúng ta”, tờ The Age dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Australia Josh Frydenberg hôm Chủ nhật. “Việc trì hoãn và phủ nhận sự thật không chỉ là sai lầm mà còn là quá đỗi phi thực tế”.

Bang Victoria ủng hộ kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ liên bang, nhưng chính quyền bang tin rằng đợt dịch hiện nay - với 778 ca đang điều trị -có thể được kiểm soát bằng một đợt phong toả nghiêm ngặt nữa, bao gồm lệnh giới nghiêm về đêm ở thủ phủ Melbourne.

Số liệu kinh tế quý 2 công bố vào ngày thứ Tư tuần này sẽ là chỉ báo liệu nền kinh tế Australia có rơi vào đợt suy thoái thứ hai trong vòng 2 năm hay không. Giới phân tích dự báo kinh tế Australia suy giảm mạnh trong quý 3 do ảnh hưởng đợt dịch hiện nay và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.