Tự doanh tích cực gom hàng trong phiên Vn-Index "bốc hơi" gần 25 điểm
Theo đó, khối này gom ròng 323,76 tỷ thông qua khớp lệnh và bán ròng 40,7 tỷ thông qua thoả thuận. Tính chung, nhóm này gom ròng 283 tỷ đồng.
Đúng như nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán, VN-Index điều chỉnh giảm gần 25 điểm chiều 10/1. Đây là phiên điều chỉnh cần thiết trước khi thị trường chính thức bước vào chu kỳ tăng dài nhờ triển vọng hồi phục của kinh tế và gói kích thích 350.000 tỷ đồng nhiều khả năng được thông qua những ngày sắp tới.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 24,77 điểm (-1,62%) xuống 1.503,71 điểm. HNX-Index giảm 10,95 điểm (-2,22%) xuống 482,89 điểm. UPCoM-Index giảm 1,31 điểm (-1,13%) xuống 114,30 điểm. Áp lực chốt lời của nhà đầu tư cá nhân rất lớn với 308 mã giảm, 20 mã lau sàn trong khi đó chỉ có 141 mã tăng. Ngoài áp lực bán từ nhà đầu tư trong nước thì khối ngoại xả ròng cũng là nguyên nhân chính.
Trái ngược với xu hướng của nhà đầu tư cá nhân và khối ngoại, tự doanh tiếp tục giao dịch tích cực phiên hôm nay. Theo đó, khối này gom ròng 323,76 tỷ thông qua khớp lệnh và bán ròng 40,7 tỷ thông qua thoả thuận. Tính chung, nhóm này gom ròng 283 tỷ đồng. Đây là phiên gom ròng thứ 6 liên tiếp với tổng giá trị luỹ kế lên đến 1.300 tỷ đồng.
Ngân hàng vẫn là khẩu vị ưa thích của tự doanh suốt nửa tháng trở lại đây. TCB phiên hôm nay được gom thêm 29,3 tỷ đồng; ACB được gom 17,8 tỷ; VPB 14,5 một số mã ngân hàng khác cũng được tự doanh chú ý như STB, CTG, HDB, TPB, MBB. Bên cạnh ngân hàng, tự doanh cũng gom mạnh VHM 25,67 tỷ; HPG 21,39 tỷ; VIC; MWG; MSN; REE, đây vốn là những mã mà tự doanh bán ròng trong 4-5 phiên trước đó.
Ở chiều ngược lại, tự doanh tập trung xả chủ yếu ở DBC với 36,1 tỷ; FUEVFVND; PHC, nhìn chung giá trị xả ròng cũng không đáng kể lắm.
Tính riêng tuần vừa qua, dòng vốn này mua ròng 792 tỷ đồng trên HoSE, giảm 13% so với tuần cuối năm 2021 (mua ròng 851 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).
TCB được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất với giá trị 154 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối tự doanh vẫn thuộc về một mã ngân hàng là VPB với giá trị 113 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG và DXG được mua ròng lần lượt 98 tỷ đồng và 74 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, FPT bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 52 tỷ đồng. PHC và KDH bị bán ròng lần lượt 30 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.