17:06 11/05/2022

Tự động hoá nghiệp vụ, hạn chế tiêu cực khi hoàn thành xây dựng Hải quan thông minh

Ánh Tuyết

Toàn ngành hải quan phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Hải quan thông minh. Khi đó, mọi hoạt động nghiệp vụ được tự động hoàn toàn, hạn chế sự tham gia trực tiếp của công chức hải quan...

Hải quan thông minh năm 2030 sẽ tự động hoá nghiệp vụ hoàn toàn, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ của công chức hải quan.
Hải quan thông minh năm 2030 sẽ tự động hoá nghiệp vụ hoàn toàn, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ của công chức hải quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn vừa ký Quyết định số 707/QĐ-TCHQ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, tập trung xây dựng ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số và các giải pháp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để điều chỉnh thể chế, tái thiết kế quy trình nghiệp vụ nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, phục vụ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Đáng chú ý, Quyết định số 707 cũng nêu rõ mục tiêu toàn ngành hải quan sẽ phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Hải quan thông minh.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI ĐỂ TỰ ĐỘNG HÓA MỌI NGHIỆP VỤ 

Theo đó, việc xây dựng mô hình hải quan thông minh sẽ đưa Hải quan Việt Nam trở thành tổ chức hải quan hiện đại, theo các xu hướng và chuẩn mực quốc tế đảm bảo ứng dụng các thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như: Al, Big Data, Blockchain, IoT,...

Phấn đấu đến năm 2025, hải quan Việt Nam sẽ đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển như: EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối.

Đồng thời, có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

"Mô hình hải quan thông minh phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp".

Quyết định số 707 nêu rõ.

Bên cạnh đó, mô hình hải quan thông minh đảm bảo kết nối toàn bộ các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan đảm bảo xuyên suốt, dữ liệu tích hợp từ khi hàng hoá đến cửa khẩu trong thời gian lưu giữ tại kho, bãi, cảng đến khi thông quan, đưa ra khỏi khu vực giám sát, đưa vào sản xuất hoặc sử dụng theo đúng mục đích đăng ký với cơ quan hải quan.

Các hoạt động nghiệp vụ được tự động hoàn toàn như: phân tích thông tin trọng điểm, xác định rủi ro, kiểm tra hồ sơ hải quan, hồ sơ phương tiện vận tải, phân luồng kiểm tra, quyết định thông quan, kiểm tra xác định số tiền thuế phải nộp, quản lý, theo dõi tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư trong quá trình sản xuất, gia công,...

Đây được xác định là yêu cầu nghiệp vụ cốt lõi của hệ thống.

Ngoài ra, mô hình hải quan thông minh cũng đảm bảo mục tiêu tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cung cấp dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện; số hóa chứng từ, hồ sơ, tự động tiếp nhận, trả hồ sơ…

Sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước.

Đảm bảo an ninh, an toàn cho nền kinh tế và cho cộng đồng trên cơ sở nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan thông qua các tính năng vượt trội của hệ thống quản lý mới như: tự động phân tích thông tin rủi ro, xác định trọng điểm, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp và quản lý tốt chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất, gia công.

Tinh giản bộ máy tổ chức hải quan tại các cấp cơ sở hướng tới xây dựng mô hình hải quan tập trung, phù hợp với địa bàn quản lý và yêu cầu công việc, giảm bớt các khâu trung gian, hạn chế sự chồng chéo, không thống nhất, tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ của công chức hải quan.

Mô hình hải quan thông minh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhờ đó, quản lý biên giới thông minh thông qua các mô hình hải quan ảo, cửa khẩu điện tử theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).

Đồng thời, "hạn chế sự tham gia trực tiếp của công chức hải quan, đơn giản thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu", Tổng cục Hải quan cho hay.

Bên cạnh đó, áp dụng các giải pháp công nghệ và trang thiết bị kiểm tra, giám sát hiện đại phù hợp với đặc điểm khu vực cửa khẩu biên giới, có khả năng tích hợp, trao đổi dữ liệu tập trung, thống nhất.

Triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức hải quan thế giới, đáp ứng yêu cầu quản lý toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa sử dụng đúng mục đích kê khai với cơ quan hải quan dựa trên nguyên tắc rủi ro, lấy phân tích dữ liệu làm nền tảng trên cơ sở ứng dụng sâu trí tuệ nhân tạo.

Thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ dàng tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, có thể theo dõi được kết quả xử lý, cũng như cung cấp các tính năng hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Phát triển các công cụ, tiện ích có khả năng đo lường, giám sát và đánh giá hiệu quả trong việc thực thi công tác quản lý của các cơ quan nhà nước; chất lượng dịch vụ công; điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng thông qua việc đo thời gian thực hiện các công đoạn trong chuỗi cung úng.

Tích hợp, kết nối thông tin từ các phương tiện hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về hải quan như hình ảnh soi chiếu, camera giám sát; kết quả phân tích, kiểm tra chuyên ngành từ các máy móc, thiết bị; dữ liệu cân điện tử,… với toàn bộ hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của WCO như: Công ước về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan; Khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu;… đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

ĐỊNH HƯỚNG CỤ THỂ ĐẾN NĂM 20230 

Đến năm 2030, khi hoàn thành Hải quan thông minh, kết quả đạt được là 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa.

100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan.

Kết quả, hình ảnh, thông tin được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan Hải quan và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tại cửa khẩu.

100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan Hải quan.

100% các cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

100% các doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, kết nối chia sẻ dữ liệu quản trị sản xuất với cơ quan Hải quan.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế, phấn đấu 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan Hải quan.

100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được số hóa.

Từ đó, phấn đấu mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đạt 95% trở lên đối với các chỉ tiêu chính thuộc các nội dung như tiếp cận thủ tục hành chính hải quan, thực hiện thủ tục hành chính hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan.