09:17 01/05/2022

Bốn tháng đầu năm ngành hải quan thu ngân sách trên 135.000 tỷ đồng

Ánh Tuyết

Tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đến ngày 20/4 đạt 135.366 tỷ đồng, hoàn thành 38,45% dự toán. Ngành hải quan cũng tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành...

Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang thực hiện kiểm tra sau thông quan 202 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề đã giao.
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang thực hiện kiểm tra sau thông quan 202 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề đã giao.

Thông tin về một số kết quả công tác nổi bật của Tổng cục Hải quan 4 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến ngày 20/4, tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đạt 135.366 tỷ đồng, bằng 38,45% dự toán theo chỉ tiêu pháp lệnh và đạt 36,58% chỉ tiêu phấn đấu Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao.

Theo đó, ngành hải quan triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Đồng thời, thường xuyên đồng hành, giải đáp, tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế…cho cộng đồng doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu ngân sách nhà nước của cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, ngành hải quan tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa....

Kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá; hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan như hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng gia công, sản xuất xuất khẩu…

Ngoài ra, chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2022 đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2022 qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Liên quan đến công tác kiểm tra sau thông quan, ngành hải quan tập trung xác định các yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, chú trọng các vấn đề rủi ro tiềm ẩn gắn với từng giai đoạn, hoàn thiện để kết thúc, tổng hợp, đánh giá về chuyên đề hạt điều.

 

Tổng cục Hải quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và trả lời vướng mắc, tổng hợp báo cáo của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc thực hiện kiểm tra sau thông quan 202 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề đã giao.

Tiếp tục triển khai chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mở rộng sang thị trường Ấn Độ và nghiên cứu, đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường Châu Âu về 2 lĩnh vực gian lận xuất xứ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Triển khai có hiệu quả các quy định về quản lý doanh nghiệp ưu tiên gắn với đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp ưu tiên, phù hợp với định hướng xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh trong giai đoạn tới...