23:23 17/11/2007

“Túi ba gang” cho những CEO mất việc

Kiều Oanh

Cho dù mất việc vì tập đoàn làm ăn thua lỗ trong khủng hoảng tín dụng, các CEO ở Mỹ vẫn "nặng túi" ra đi

Dù cổ phiếu của Citigroup mất giá tới 20% dưới thời của Charles Prince, cựu CEO này vẫn được thưởng hơn 12 triệu USD.
Dù cổ phiếu của Citigroup mất giá tới 20% dưới thời của Charles Prince, cựu CEO này vẫn được thưởng hơn 12 triệu USD.
Lúc này, trong giới quan sát, ai cũng đoán già đoán non xem CEO của công ty tài chính lớn nào sẽ là người tiếp theo bị mất việc do ảnh hưởng của cơn bão trên thị trường tín dụng Mỹ.

Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là, dù cho tiền bồi thường thôi việc của các CEO sẽ giảm đi rất nhiều vì các tập đoàn đang trong giai đoạn thua lỗ, những khoản tiền đó vẫn đủ lớn để gây bất ngờ.

Tại những tập đoàn tài chính lớn như Lehman Brothers, Morgan Stanley, JPMorgan Chase và Goldman Sachs, phần lớn tiền bồi thường thôi việc của CEO được trả dưới dạng cổ phần hạn chế. Trường hợp Standley O’Neal, cựu CEO của Merrill Lynch là một ví dụ điển hình.

Ra đi sau khi Merrill Lynch báo lỗ kỷ lục 2,24 tỷ USD trong quý 3, O’Neal nhận được gói bồi thường thôi việc lên tới 161 triệu USD, cao thứ 5 trong số các gói bồi thường thôi việc cho CEO tài chính Mỹ. Trong số tiền này có 131,4 triệu USD tiền cổ phiếu và quyền chọn mua cổ phiếu, và gần 25 triệu USD tiền lương hưu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, O’Neal thực ra chỉ bỏ túi được những gì ông xứng đáng được hưởng. Cựu CEO này không được thưởng một đồng nào do tập đoàn dưới thời ông làm ăn quá “bết bát”. Theo Frank Glassner, một chuyên gia về tiền lương ở San Francisco, quyết định của Merrill Lynch có thể tạo ra một tiền lệ cho các tập đoàn khác nhấn mạnh hơn đến khoản tiền bồi thường dựa trên hiệu quả làm việc.

Nhưng “người hùng” thứ hai trong ngành tài chính phải ra đi trong cơn bão tín dụng, chỉ sau O’Neal có vài ngày, là cựu CEO Charles Prince của Citigroup, vẫn nhận được 12,6 triệu USD tiền thưởng, cho dù cổ phiếu của tập đoàn mất giá tới 20% dưới thời của “hoàng tử” này. Tổng số tiền mà Prince nhận sau khi “xách vali” ra khỏi Citigroup là hơn 40 triệu USD.

Người hiện giữ kỷ lục về tiền bồi thường thôi việc trong ngành dịch vụ tài chính là CEO Richard Fuld của Lehman Brothers, người có thể sẽ nhận được 299 triệu USD vào ngày ông rời khỏi tập đoàn. Trong số này có 276 triệu USD tiền cổ phiếu hạn chế, một phần đã được trả vào thập niên 1990.

Khoản bồi thường dự kiến này vượt qua tất cả những gói bồi thường thôi việc của bất kỳ CEO nào khác trong ngành tài chính, vì Fuld đã làm việc tại Lehman từ năm 1969 và đã điều hành tập đoàn từ năm 1993. Nếu cổ phiếu của Brothers hồi phục và đạt tới mức giá năm ngoái, Fuld có thể dễ dàng vượt qua kỷ lục bồi thường thôi việc 351 triệu USD mà cựu CEO của ExxonMobil là Lee Raymond nhận được vào năm 2006. Nếu nghỉ việc, Fuld sẽ không nhận được một lúc toàn bộ số tiền này mà khoản tiền sẽ được trả dần trong thời gian 10 năm.

Tuy nhiên, dưới sự chèo lái của Fuld, Lehman đã thành công trong việc hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín chấp, do đó không ai nghĩ rằng Fuld sẽ sớm ra khỏi tập đoàn.

Một nhân vật nữa có khả năng nhận được khoản bồi thường thôi việc lớn là Kenneth D. Lewis, Chủ tịch kiêm CEO của Bank of America từ tháng 4/2001. Gói bồi thường thôi việc của Lewis trị giá hơn 120 triệu USD. Trong khi, hôm 13/11 vừa qua, ngân hàng này cho biết sẽ phải chịu một khoản thâm hụt tài sản trước thuế 3 tỷ USD trong quý 4 do giảm giá cổ phiếu liên quan đến tín chấp. Trong năm vừa qua, cổ phiếu của công ty đã mất giá khoản 14%.

Thực ra, cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ đã khiến gói bồi thường thôi việc của các CEO giảm mạnh. Gói bồi thường thôi việc của CEO James E. Cayne của Bear Stearns hiện ở mức xấp xỉ 31,2 triệu USD, giảm khoảng 1/3 so với năm ngoái.

Còn tại ngân hàng Wachovia, CEO G. Kenneth Thompson đã phải chứng kiến hơn 17 triệu USD, tương đương 38%, “bốc hơi” khỏi gói bồi thường thôi việc của mình vì cổ phiếu tập đoàn lao dốc. Tương tự, gói bồi thường thôi việc cho CEO Angelo R. Mozilo của Countrywide Financial cũng đã giảm từ mức 81 triệu USD xuốn còn hơn 70 triệu USD.

(Theo BusinessWeek)