16:20 13/03/2023

Tỷ giá thấp thỏm trước những biến cố mới

Hoàng Lan

Sau sự sụp đổ liên tiếp của 3 ngân hàng Mỹ gồm: Silicon Valley Bank, Signature Bank, Silvergate Bank chỉ trong vòng 1 tuần, thị trường kỳ vọng Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất và chỉ tăng ở mức 25 điểm cơ bản nhưng đến nay động thái của FED vẫn chưa rõ ràng...

Tỷ giá trung tâm ngày 13/3 giảm nhẹ so với cuối tuần trước.
Tỷ giá trung tâm ngày 13/3 giảm nhẹ so với cuối tuần trước.

Các ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất. Với thực tế đó, giới phân tích cho rằng chưa thể đoán định được mức độ biến động của tỷ giá trong nước sẽ diễn biến như thế nào.

KỲ VỌNG FED NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.638 VND/USD, giảm 1 đồng so với mức niêm yết cuối tuần qua. Nhìn lại tuần từ 06/3 - 10/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng/giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 10/3, tỷ giá trung tâm niêm yết ở mức 23.680 VND/USD, tăng 43 đồng so với cuối tuần trước đó. 

Với biên độ +/-5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 24.823 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.459VND/USD.

Ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD.

Tỷ giá USD đang được mua/bán tại Vietcombank với giá 23.480 VND/USD - 23.850 VND/USD, giảm nhẹ 10 đồng ở mỗi chiều giao dịch.

Giá đồng USD tại BIDV được niêm yết ở mức 23.520 - 23.820 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 15 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Trên thị trường thế giới, USD index đạt 103,815, giảm 0,32% vào sáng ngày 13/3 theo giờ Việt Nam.

Tuần qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell giữ thái độ cứng rắn với lạm phát, đồng thời nước Mỹ ghi nhận nhiều thông tin quan trọng về thị trường lao động. Ngày 7/3, trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, ông Powell nhận định dữ liệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến, khiến đỉnh lãi suất có thể phải cao hơn kỳ vọng trước đây. Chủ tịch Fed khẳng định, nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn là cần thiết thì cơ quan này sẽ tăng tốc lãi suất cơ sở trở lại.

Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng, thị trường kỳ vọng Fed có thể giảm tốc độ và chỉ tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới.

Trong tuần này, thị trường chờ đợi thông tin về chỉ số lạm phát CPI tại Mỹ, được công bố vào tối ngày 14/3 theo giờ Việt Nam.

NHIỀU NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG VẪN PHÁT TÍN HIỆU TĂNG LÃI SUẤT

Cũng giống như hành động của FED, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất cơ sở để ưu tiên kiểm soát lạm phát.

Tuần qua, trong cuộc họp ngày 07/03, Ngân hàng trung ương Úc (RBA) nhận định CPI Úc hàng tháng cho thấy áp lực lạm phát đã đạt đỉnh. Theo kịch bản trung tâm, lạm phát sẽ tiếp tục giảm, xuống còn khoảng 3% y/y vào giữa năm 2025.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Úc trong các năm tới được dự báo sẽ trầm lắng và tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại. RBA khẳng đinh ưu tiên đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% - 3%, đồng thời tăng lãi suất cơ sở 25 điểm cơ bản, từ 3,35% lên 3,6%, đây là mức lãi suất cao nhất kể từ 06/2012.

RBA cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ là điều cần thiết, tuy nhiên cũng sẽ quan tâm tới các điều kiện về kinh tế để xác định lộ trình lãi suất trong tương lai. Trong tuần này, nước Úc chờ đợi các thông tin quan trọng về thị trường lao động tháng 2, được công bố vào sáng ngày 16/3 theo giờ Việt Nam.

Trước đó, vào giữa tháng 2, phát biểu trước các nghị sỹ tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói rằng ECB dự định sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp sắp tới vào tháng 3/2023 dù cho sức ép lạm phát giảm. 

Nếu ECB thông qua việc tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm thì đây sẽ là lần tăng thứ sáu kể từ tháng 7/2022 với tổng mức tăng là 3,5 điểm phần trăm.

Trong khi đó, ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. 

 

Tuần từ 6-10/3, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 29.260,02 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. 

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu MSB, tuần từ 6/3 - 10/03, lãi suất VND liên ngân hàng giảm nhẹ ở nhiều kỳ hạn. Chốt ngày 10/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm  6,20% (-0,08 điểm phần trăm (đpt) so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 6,42% (-0,08 đpt); 2 tuần 6,63% (-0,09 đpt); 1 tháng 7,10% (-0,05 đpt).

Lãi suất USD liên ngân hàng duy trì biến động tăng/giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 06/03, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,48% (+0,02 đpt); 1 tuần 4,62% (+0,01 đpt); 2 tuần 4,70% (-0,01 đpt) và 1 tháng 4,85% (-0,01 đpt).

Trên thị trường mở tuần từ 6/3 - 10/3, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 28.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 22.244.36 tỷ đồng trúng thầu đều với lãi suất 6 %; có 24.384,18 tỷ đồng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 83.599,80 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày với lãi suất trúng thầu ở mức 6%; có 16.900 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày, lãi suất ở mức 6,0%; có 73.379,6 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 29.260,02 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 34.239,39 tỷ VND, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước ở mức 194.299,6 tỷ VND.