13:06 19/04/2024

Tỷ giá và vàng nóng hầm hập, Ngân hàng Nhà nước "bật chế độ can thiệp"

Ánh Tuyết

Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2024. Nhà điều hành cho biết sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng tăng cung cho thị trường vào 22/4 và trong bối cảnh VND mất giá 4,9%, sẽ "bật chế độ can thiệp" nếu tỷ giá biến động bất lợi...

Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND.
Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND.

Thông tin về công tác điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều bất trắc, khó lường của quý đầu năm, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

CHIỀU 19/4 GỬI THÔNG BÁO CHO 15 ĐƠN VỊ MỜI ĐẤU THẦU VÀNG

Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam có độ mở khá lớn nhưng khả năng chống chịu còn hạn chế, do đó, tác động kinh tế thế giới vào kinh tế Việt Nam không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, những khó khăn trong nước do đại dịch dù cơ bản được giải quyết nhưng lại bồi thêm những khó khăn tiềm ẩn, hệ luỵ bộc lộ từ những năm trước đây.

"Quý 1 đầu năm tín dụng tăng trưởng chậm, riêng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm. Điều này cho thấy nền kinh tế còn khó khăn, do đó, để tín dụng tăng như mong muốn cần có giải pháp quyết liệt hơn", ông Tú nhấn mạnh.

 

Tại họp báo, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối thông tin thêm ngay chiều nay (19/4) sẽ gửi thông báo cho 15 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện đấu thầu vàng để triển khai ngay trong thứ 2 tuần tới (ngày 22/4).

Đối với sức nóng của thị trường vàng, ngoại tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng có những biến động hết sức đột xuất nhưng nằm trong dự định của cơ quan quản lý cũng như đánh giá của giới phân tích. Dù rằng, sự biến động đó đã ảnh hưởng lớn đến điều hành chính sách chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

"Giá vàng thế giới vượt mốc 2.400 USD/ounce do tác động yếu tố tâm lý, chiến tranh lan rộng, đặc biệt lo sợ căng thẳng Trung Đông leo thang và sức ép từ giá dầu", ông Tú phân tích.

Cũng theo ông Tú, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng USD (DXY) giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng; ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng. Đây là tác động đến cả nền kinh tế thế giới chứ không riêng Việt Nam. 

Về giải pháp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước hiện tại đang gấp rút sửa Nghị định 24 để quản lý thị trường vàng phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế sau 12 năm thực thi.

 

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì buổi họp báo.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì buổi họp báo.

Về tỷ giá, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, sự mất giá VND so với đầu năm 4,9% là mức đáng quan tâm. Về điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát, dùng các công cụ, biện pháp điều hành tỷ giá trung tâm để lên xuống theo tình hình chung, đảm bảo cung cầu và ổn định tỷ giá, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu.

 

"Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế nhưng không neo tỷ giá cố định mà dùng các biện pháp giảm chấn, giảm tác động đối với tỷ giá trong nước, tạo sự cân đối hài hoà. Chúng tôi sẵn sàng can thiệp nếu biến động tỷ giá bất lợi. Nguồn quỹ dự trữ ngoại hối vừa qua đảm bảo vai trò quản lý và mục tiêu ổn định tỷ giá thời gian tới".

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó, giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.

Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD. 

Cũng theo ông Tú, do Fed dự kiến hạ lãi suất trì hoãn, số liệu việc làm tích cực khiến giới phân tích liên tục điều chỉnh dự báo, căng thẳng địa chính trị dâng cao ảnh hưởng đến lộ trình cắt giảm lãi suất. Trong hơn 3 tháng đồng USD tăng 5% vô cùng lớn so với đồng ngoại tệ tương ứng. 

"Lãi suất VND âm so với USD trên thị trường liên ngân hàng, tạo tâm lý ngân hàng thương mại và thị trường khiến tỷ giá đẩy lên một phần. Bài toán điều hành tỷ giá  - lãi suất hài hoà rất khó", ông Tú trần tình.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm nhiều nước lân cận có sự biến động mạnh hơn như: đồng đô la Đài Loan mất giá 5,96%; Nhật Bản mất giá 9,69%; đồng won Hàn Quốc 7,71%... 

So sánh hai con số USD tăng 5% và VND mất giá 4,9%, ông Tú cho rằng sự mất giá VND vẫn thấp so với sự tăng giá của đồng USD nếu tính theo quy mô nền kinh tế.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng không nên găm giữ chờ tỷ giá lên. "Trong trường hợp cần thiết, ngay hôm nay (19/4), Ngân hàng Nhà nước sẽ bật chế độ can thiệp ngoại tệ nếu tỷ giá biến động không tích cực song vẫn để tỷ giá dao động trạng thái vẫn phù hợp với tình hình kinh tế trong nước, quốc tế, tình hình kiểm soát lạm phát", ông Tú nói. 

10 GIẢI PHÁP THÔNG DÒNG TÍN DỤNG

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết công tác điều hành tín dụng được Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai thành 10 giải pháp, với cường độ cao hơn, tích cực hơn nhiều.

Thứ nhất, chỉ đạo ngân hàng thương mại đảm bảo đủ thanh khoản cho nền kinh tế, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp. Một số ngân hàng thương mại thậm chí dư thừa nguồn vốn.

Thứ hai, giảm lãi suất điều hành năm 2023 và chỉ đạo ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.

Thứ ba, hạn mức tín dụng đặt ra kỳ vọng khoảng 15%, có thể mở rộng linh hoạt những tháng cuối năm. Việc giao chỉ tiêu từ đầu năm để ngân hàng chủ động.

Thứ tư, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ đảm bảo lượng ngoại tệ hợp lý với nhu cầu ngoaị tệ chính đáng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống pháp lý, thông qua Luật Các tổ chức tín dụng và xây dựng hệ thống thông tư, nghị định, đưa chế tài mới, quy định mới từ ngày 1/7 thực thi đồng bộ.

Thứ sáu, kéo dài thời hạn trả nợ, trả lãi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến ngày 31/6 kết thúc chính sách này nhưng theo đề xuất mong muốn hiệp hội, doanh nghiệp sẽ kéo dài đến hết năm 2024. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho khó khăn hiện tại của doanh nghiệp nhưng cần tính toán đảm bảo hài hoà chất lượng các tổ chức tín dụng, an toàn cho các ngân hàng thương mại.

Thứ bảy, triển khai quyết liệt chương trình, gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ hải sản, lâm sản rất quan trọng, giải quyết công ăn việc làm, hàng hoá xuất khẩu. Trong đó, nguồn vốn 340 nghìn tỷ Ngân hàng Chính sách xã hội và 25 chương trình an sinh xã hội của Chính phủ được triển khai rốt ráo.

Thứ tám, triển khai tích cực cho vay tiêu dùng, vừa tạo cơ chế, điều kiện cho công ty tài chính ngân hàng thương mại phục vụ sản xuất, thực hiện mục tiêu kích cầu. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước kết hợp Bộ Công an khai thác trung tâm dữ liệu quốc gia xem xét cho vay không thế chấp với loại hình tín dụng này. 

Thứ chín, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục liên quan đến cho vay của người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng thương mại với người vay vốn, phổ cập giải ngân trực tuyến, rút ngắn quy trình giao dịch ngân hàng.

Thứ mười, kết nối hội nghị và ngân hàng, đây là giải pháp truyền thống nhưng Ngân hàng Nhà nước có thể nắm bắt, tháo gỡ trực tiếp vướng mắc, không để vướng mắc nhỏ ảnh hưởng nhu cầu vay vốn cấp thiết của doanh nghiệp.