16:40 25/04/2023

Ukraine lên kế hoạch tái thiết đất nước, cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đầu tư và thương mại

Vũ Khuê

Chính phủ Ukraine đã đưa ra kế hoạch toàn diện phục hồi đất nước trong 10 năm. Đây là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ucraine...

Ukraine đang có nhu cầu lớn với mặt hàng gạo. Đây lại là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Ukraine đang có nhu cầu lớn với mặt hàng gạo. Đây lại là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Tại hội thảo "Giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ukraine", bà Nguyễn Khánh Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng do tình hình đại dịch Covid-19 và chiến sự tại Ukraine thời gian qua, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước có chiều hướng giảm.

THƯƠNG MẠI HAI CHIỀU BẮT ĐẦU NỐI LẠI

Trong năm 2022, trao đổi thương mại giữa hai nước bị đình trệ khá nghiêm trọng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm qua đạt 244,2 triệu USD (giảm 195%), trong đó xuất khẩu đạt 65,6 triệu USD (giảm 525%), nhập khẩu đạt 178,6 triệu USD (giảm 210%).

Trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ đạt 12,9  triệu USD, giảm 914% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,1 triệu USD còn nhập khẩu từ Ukraine đạt 7,8 triệu USD.

Các nhóm hàng xuất khẩu truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Ukraine đều bị suy giảm kim ngạch hết sức nghiêm trọng, như: Thủy sản (giảm 370%), cà phê (giảm 587%), hạt điều (giảm 844%), hàng dệt may (giảm 241%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 506%)…

Nhóm hàng nhập khẩu chính từ thị trường Ukraine là lúa mì cũng chứng kiến sự sụt giảm 89,9%.

Về đầu tư, hiện nay Ukraine đang đầu tư vào Việt Nam khoảng hơn 30 triệu USD, với 27 dự án, đứng thứ 69 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Đầu tư của Việt Nam tại Ukraine chủ yếu là do người Việt Nam đang sinh sống trong khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam mong muốn Chính phủ Ukraine tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn Việt Nam, đóng góp vào phát triển kinh tế của cả hai nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Ngọc, những tín hiệu tích cực về việc thương mại hai chiều giữa hai nước bắt đầu nối lại sau nhiều tháng bị đình trệ.

Hiện nay các doanh nghiệp Ukraine đang ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống và sinh hoạt. Các doanh nghiệp Ukraine cũng nhìn nhận rằng việc hợp tác kinh tế với Việt Nam đặc biệt tốt cho Ukraine trong giai đoạn tái thiết sau chiến tranh.

Ông Valery Korol - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ukraine cho biết năm 2021 kim ngạch thương mại hai nước vượt 800 triệu USD, nhưng hiện nay tụt giảm mạnh. Do tác động của cuộc chiến, nên Ukraine thay thế đường vận chuyển từ biển sang bộ, xuất khẩu hàng hoá qua các nước châu Âu.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Ukraine mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, chế tạo máy móc, hoá chất, đặc biệt công nghệ thông tin. Ukraine có đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Do đó, Ukraine rất mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ông Valery Korol chia sẻ, các doanh nghiệp Ukraine kỳ vọng tham gia các hội chợ quốc tế để khôi phục hoạt động thương mại, đặc biệt mong muốn được hợp tác với các tỉnh, thành, các vùng của Việt Nam để thúc đẩy, cải thiện các hoạt động thương mại và đầu tư song phương.

CƠ HỘI HỢP TÁC LỚN

Thông tin thêm về thị trường Ukraine, ông Hoàng Đình Chại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine, cho biết Chính phủ Ukraine đã đưa ra kế hoạch toàn diện phục hồi đất nước trong 10 năm.

Cụ thể, Ukraine đang đẩy mạnh xúc tiến hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, ký kết thỏa thuận để thực hiện các biện pháp thiết thực nhằm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Ukraine. Đây là cơ hội cho sự hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam - Ukraine.

Trong điều kiện hiện nay, Ukraine nhận thấy, việc hợp tác với Việt Nam đặc biệt tốt trong giai đoạn tái thiết. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam và Ukraine đang có các hoạt động giao thương tích cực trở lại sau 4 tháng tạm dừng. Đã có các đoàn doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đến Việt Nam xúc tiến thương mại và tìm nguồn hàng.

Theo ông Chại, phía Ukraine quan tâm đến mặt hàng gạo, lương thực thực phẩm và các sản phẩm dệt may. Trong khi đó, đây là những mặt hàng có thế mạnh, là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Người tiêu dùng Ukraine cũng đã quen thuộc với các sản phẩm của châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Do đó, ông Chại cho rằng đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Ukraine khi các doanh nghiệp Thái Lan và Hàn Quốc gần như đang bỏ trống thị trường khó khăn về vận chuyển.

Ngoài ra, các mặt hàng vật liệu xây dựng, dệt may, thuốc tân dược, dược phẩm, thuốc đông y... là những lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác, bổ sung cho nhau.

Trong lĩnh vực đầu tư, ông Chại cho biết hiện Thương vụ đã nhận được một số đề nghị về đầu tư tái thiết đất nước, hợp tác đầu tư, mua bán doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Ukraine đang thiếu trầm trọng về vốn để duy trì và phát triển. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư, liên kết, mua nhà máy. Đây cũng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư của Việt Nam đầu tư, sản xuất và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, ông Chại lưu ý, trong hợp tác thương mại với các đối tác Ukraine, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, bảo hiểm. Việc thanh toán trong tình hình hiện nay cần phải hết sức thận trọng, để tránh rủi ro tốt nhất là yêu cầu đặt cọc trước.

Về vấn đề vận chuyển, cảng biển chính đã tạm thời mở cửa nhưng mới chỉ ưu tiên các mặt hàng lương thực. Ukraine đang tạm thời nhập cảng của một số nước châu Âu và thông qua đường bộ tới Ukraine. Vận chuyển hiện nay chủ yếu qua đường sắt. Vì vậy, doanh nghiệp phải tìm hiểu, đàm phán kỹ về hành trình vận chuyển.