Ứng dụng AI giám sát rác thải, thúc đẩy đô thị thông minh xanh
Nhằm hiện đại hóa công tác quản lý chất thải và giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, thành phố Huế đang triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng số Hue-S trong giám sát, phát hiện và xử lý hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Giải pháp này nằm trong khuôn khổ Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, góp phần xây dựng đô thị thông minh xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng và hướng đến phát triển bền vững...

Thời gian gần đây, thành phố Huế đang dần khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng đô thị giảm nhựa tại miền Trung Việt Nam. Thông qua Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tài trợ, nhiều sáng kiến, mô hình đã được triển khai, nhân rộng, tạo chuyển biến rõ nét trong cộng đồng, từ trường học đến điểm du lịch, từ khu dân cư đến các cơ quan quản lý.
DU LỊCH VÀ TRƯỜNG HỌC ĐỒNG HÀNH GIẢM NHỰA
UBND thành phố Huế cho biết, một trong những điểm nhấn nổi bật là mô hình “Điểm du lịch giảm nhựa Cầu ngói Thanh Toàn”, ra mắt hơn một tháng qua, đã có những đổi thay tích cực.
Theo đó, nơi đây được lắp đặt các thiết bị thân thiện với môi trường như máy lọc nước, bình và ly thủy tinh thay thế cho đồ nhựa dùng một lần; hệ thống thùng rác phân loại, bảng hướng dẫn thải rác đúng quy định và truyền thông bảo vệ môi trường. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa Sở Du lịch và Ban Quản lý Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam".

Không dừng lại ở lĩnh vực du lịch, giáo dục cũng trở thành “mặt trận” quan trọng trong việc lan tỏa ý thức giảm nhựa.
Dự án đã hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo tích hợp chủ đề rác thải nhựa vào chương trình học tại 31 trường tiểu học và 20 trường THCS. Hơn 38.000 học sinh được tiếp cận các bài học về phân loại rác tại nguồn, tái chế nhựa, và nhiều nội dung thực hành bảo vệ môi trường. Các em học sinh không chỉ học mà còn trực tiếp tham gia tái hiện các câu chuyện môi trường ngay tại lớp, góp phần hình thành ý thức sống xanh từ sớm.
Nhờ đó, chỉ tính riêng các trường học trong dự án, đã giảm được hơn 800 kg nhựa dùng một lần, thu gom 529 kg rác tái chế và 375 kg rác nhựa. Có đến 581 bài giảng sử dụng tài liệu của dự án và nhận được phản hồi tích cực từ giáo viên và học sinh.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI
Một điểm nổi bật khác là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý rác thải. Dự án đã hợp tác với Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (Hue IOC) triển khai chuỗi giải pháp sử dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giám sát và xử lý các hành vi vi phạm về rác thải.
Đặc biệt, phần mềm AI được phát triển có khả năng phân tích hình ảnh từ camera giám sát để tự động phát hiện các hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Dữ liệu vi phạm sau đó được tích hợp vào hệ thống “Phản ánh hiện trường” trên nền tảng Hue-S, cho phép các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Hệ thống này còn hỗ trợ quản lý rác thải theo thời gian thực, thống kê khối lượng rác và dữ liệu phân loại phục vụ cho việc lập kế hoạch quản lý chất thải hiệu quả.
Tính đến nay, gần 570 tấn rác thải nhựa đã được dự án hỗ trợ thu gom và xử lý đúng cách. Hệ thống quản lý thông minh đã kết nối các camera, thùng rác thông minh và cơ sở dữ liệu tập trung, trở thành công cụ đắc lực trong công tác bảo vệ môi trường đô thị.
HƯỚNG TỚI LỐI SỐNG XANH
Đầu năm 2025, UBND thành phố Huế đã phê duyệt tiếp nhận viện trợ không hoàn lại với tổng vốn hơn 22 tỷ đồng từ WWF-Việt Nam để triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án. Nhiều hoạt động được mở rộng, trong đó có mô hình “trường học không rác thải” với 45 “ngôi nhà xanh” được xây dựng tại 31 trường để học sinh thực hành phân loại rác.
Cùng với đó, Dự án đã cung cấp 204 bộ thùng chứa rác cho các địa phương để thu gom rác tái chế và rác nguy hại, phát hơn 11.100 túi các loại cho hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn. Một phần mềm quản lý lộ trình và khối lượng thu gom, vận chuyển rác cũng được phát triển, góp phần số hóa toàn bộ quy trình quản lý chất thải của thành phố.

Ngoài ra, hàng loạt hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương, hỗ trợ xử lý rác hữu cơ thành phân bón sinh học (IMO, compost), và áp dụng các tiêu chuẩn hiệu suất trong quản lý chất thải rắn đang được đồng loạt triển khai.
Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án, thời gian tới, trọng tâm triển khai sẽ là các mô hình “Du lịch giảm nhựa”, “Trường học giảm nhựa”, mở rộng ứng dụng Hue-S và cơ sở dữ liệu quản lý chất thải thông minh.
Song song đó, các trạm nhà chờ và tiếp nước tại các điểm du lịch giảm nhựa sẽ được hình thành. Dự án cũng thúc đẩy các doanh nghiệp, chuỗi bán lẻ tham gia các chiến dịch như “Không túi nilon”, khuyến khích sử dụng túi cá nhân và lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đánh giá tác động của dự án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Phan Quý Phương cho rằng dự án đang tạo ra những tác động tích cực, giúp cộng đồng chuyển biến nhận thức rõ rệt về tác hại của rác thải nhựa. Song, ông cũng thừa nhận rằng việc thu gom rác thải nhựa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần thêm nhiều nỗ lực từ toàn xã hội.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, mô hình đô thị giảm nhựa mà Huế đang triển khai chính là một hướng đi bền vững, góp phần hiện thực hóa các cam kết về khí hậu, bảo vệ môi trường sống và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.