Ứng dụng camera gắn trên người để nhận diện tội phạm
Thiết bị này sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt tiên tiến, cho phép nhận diện tội phạm nhanh chóng từ đám đông
Cảnh sát Malaysia mới đây được trang bị loại camera gắn trên cơ thể sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt được phát triển bởi Startup Công nghệ Yitu của Trung Quốc. Camera này cho phép nhận diện khuôn mặt để xác định nghi phạm, theo tờ South China Morning Post.
Hệ thống này giúp Lực lượng hỗ trợ (AFSB), thuộc Tổng cục Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, nhanh chóng so sánh và đối chiếu hình ảnh được chụp lại bằng camera gắn trên cơ thể với những hình ảnh đã thu thập trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát.
Camera giám sát hoạt động vào ban đêm, nhưng hiện tại chỉ cho phép các cảnh sát xem lại đoạn băng video đã quay để xác định những nghi phạm liên quan sau khi sự kiện xảy ra.
"Sử dụng AI để tăng cường an toàn và an ninh công cộng là bước tiến quan trọng đối với chúng tôi. Sắp tới, AFSB cũng dự định phát triển thêm tính năng nhận diện khuôn mặt theo thời gian thực và cảnh báo ngay tức khắc khi nhận ra nghi phạm trong danh sách theo dõi", Dato 'Rosmadi Bin Ghazali - Giám đốc điều hành của AFSB, cho biết.
Trung Quốc hiện được xem là một trong những là quốc gia đứng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI), không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nội địa mà còn cả nước ngoài.
Nước này sở hữu nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực AI, bao gồm SenseTime Group, Megvii (còn được biết đến là Face -) và Yitu Technology. Theo công ty nghiên cứu CB Insights của Mỹ, trong số 15,2 tỷ USD vốn đầu tư các công ty trí tuệ huy động được trong năm 2017, các startup Trung Quốc chiếm 48%, trong khi đó, startup Mỹ chiếm 38%.
Trung Quốc hiện cũng đang trong quá trình xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt trên toàn quốc có thể kết nối với camera, với khả năng nhận dạng bất kỳ ai trong số 1,3 tỷ dân trong vòng chưa đầy 3 giây.
Ra đời năm 2012, startup Công nghệ Yitu, huy động được 55 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C vào tháng 5/2017, cho biết chỉ cần 1 giây để nhận diện một người trong dữ liệu 1,4 tỷ khuôn mặt.
Trong một bài phỏng vấn vào tháng 11, Lin Chenxi, một trong hai nhà đồng sáng lập Yitu, cho biết các công ty an ninh công cộng là nguồn cung cấp dữ liệu lớn cho Yitu.
Phần mềm nhận dạng khuôn mặt của Yitu được sử dụng rộng rãi cho các mục đích an toàn và giám sát tại Trung Quốc. Nhiều ngân hàng sử dụng phần mềm để xác nhận các giao dịch ATM, phần mềm đồng thời giúp các camera giám sát tại vùng biên giới đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia để xác định kẻ buôn lậu và người nhập cư bất hợp pháp.
Giải pháp của Yitu cũng đang được sử dụng cho an ninh tại các điểm du lịch của Trung Quốc, gồm cảng và các nơi công cộng yêu cầu chuẩn an toàn cao. Trong 3 tháng đầu hoạt động, phần mềm đã giúp công ty điều hành hệ thống tàu điện ngầm Metro Thượng Hải bắt được 567 người vi phạm pháp luật.
Công ty này đặt mục tiêu tăng doanh thu từ thị trường nước ngoài bằng việc xuất khẩu công nghệ sang các nước châu Phi và châu Âu - nơi các chính phủ đối mặt với những đe dọa khủng bố.
Vào tháng 1/2017, Yitu đã mở văn phòng quốc tế đầu tiên ở Singapore, làm bàn đạp để tiếp cận các thị trường lân cận trong khu vực gồm Malaysia, Philippines và Indonesia.
Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường nhận diện khuôn mặt toàn cầu dự kiến sẽ đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ 2,3 tỷ USD vào năm 2016.