Ứng dụng laser trong điều trị các bệnh da liễu
Một số bệnh về da có thể điều trị bằng thuốc và liệu pháp không xâm lấn, nhưng một số bệnh cần can thiệp phẫu thuật hoặc điều trị xâm lấn. Các phương pháp điều trị xâm lấn có thể kể đến là: lột hoá chất, liệu pháp đốt lạnh, mài da (Dermabrasion), phẫu thuật laser, ứng dụng Laser, ánh sáng và các thiết bị phát năng lượng, cắt bỏ các tổn thương, phẫu thuật Mohs, ghép da và vạt da, Psoralen kết hợp với tia cực tím A (PUVA), trị liệu tĩnh mạch.
Da liễu là chuyên khoa đầu tiên được ứng dụng laser do khả năng đáp ứng tốt của da và có thể theo dõi được các đáp ứng đó một cách dễ dàng so với các cơ quan khác. Giáo sư Theodore Maiman (Hoa Kỳ) đã ứng dụng laser đầu tiên vào y học với việc sử dụng laser rubi có bước sóng 694nm để điều trị bớt máu vào năm 1959. Sau khoảng hơn 2 thập kỷ, sự ứng dụng của laser argon trong điều trị thương tổn mạch máu và laser CO2 trong điều trị các thương tổn làng tính ở da đã trở thành kỹ thuật đi đầu trong lĩnh vực y học.
Laser được ứng dụng nhiều trong điều trị da liễu thường là laser công suất cao, được chia làm 3 loại chính là laser điều trị thương tổn mạch máu, laser điều trị điều trị bớt sắc tố và laser bào mòn. Laser bào mòn thường được sử dụng nhất là laser CO2. Đây là loại laser được sử dụng rộng rãi nhất trong chuyên ngành da liễu hiện nay. Laser này sử dụng hỗn hợp khí carbon dioxide (hoạt chất chính), N2 (làm tăng hiệu quả của laser) helium (chất trung hòa) làm môi trường hoạt chất phát ra chùm ánh sáng với bước sóng 10600nm, được hấp thu mạnh bởi nước. Nó làm bốc bay tất cả các tổ chức có nước mà không liên quan đến bản chất của thương tổn với công suất được dùng trong y học là 15 đến 100W.
Hiện nay có hai công nghệ laser đang được sử dụng và ngày càng phát triển trong lĩnh vực chăm sóc da thẩm mỹ ngoài ba loại laser công suất cao, đó là IPL (Intense Pulsed Light) và RF (radiofrequence). TS. Bác sỹ Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Da liễu Trung Ương chia sẻ: “Để thực hiện những ca can thiệp xâm lấn để điều trị các bệnh về da cũng như chăm sóc da thẩm mỹ, chúng ta nên đến những cơ sở y tế, bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép, nơi có những trang thiết bị hiện đại, uy tín và đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn, có phác đồ điều trị rõ ràng để đảm bảo an toàn”.