10:55 13/03/2009

Ứng xử với doanh nghiệp niêm yết bị lỗ: Bên lỏng, bên chặt!

Lan Hương

Tại hai sàn niêm yết HOSE và HASTC, cách ứng xử với những doanh nghiệp niêm yết bị lỗ vẫn rất khác nhau

Ngay khi công bố kết quả kinh doanh năm 2008 bị lỗ, 15 cổ phiếu của 15 doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) đã bị đưa vào diện kiểm soát.
Ngay khi công bố kết quả kinh doanh năm 2008 bị lỗ, 15 cổ phiếu của 15 doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) đã bị đưa vào diện kiểm soát.
Trong khi chờ công văn hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán, thì tại hai sàn niêm yết HOSE và HASTC, cách ứng xử với những doanh nghiệp niêm yết bị lỗ vẫn rất khác nhau.

Ngay khi công bố kết quả kinh doanh năm 2008 bị lỗ, 15 cổ phiếu của 15 doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) đã bị đưa vào diện kiểm soát.

Trong khi đó, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) tỏ ra khá thận trọng trong việc đưa 9 doanh nghiệp bị lỗ đang niêm yết tại sàn này vào diện cần phải “lưu ý”.

Theo hay không theo quy chế?

Đại diện của HOSE giải thích, việc đưa cổ phiếu vào diện bị kiểm soát khi có báo cáo tài chính của công ty là cần thiết, vì lợi ích của người đầu tư.

Mặc dù chưa phải là báo cáo tài chính đã kiểm toán như quy chế, nhưng những thông tin đó là quá quan trọng để không thể không công bố cho người đầu tư biết, và điều này cũng là thông lệ ở các thị trường chứng khoán khác.

“Không thể vì quy định nhất thời của mình mà né tránh trách nhiệm đối với công chúng đầu tư. Tất nhiên, không công ty nào muốn báo cáo lỗ và cũng chẳng thể xảy ra trường hợp sau khi kiểm toán thì từ lỗ thành lãi.

Vì vậy công bố ngay thông tin là cần thiết còn khi có báo cáo kiểm toán thì công bố tiếp để khẳng định”, ông Lê Hải Trà, Ủy viên Thường trực Hội đồng Quản trị HOSE cho biết.

Theo quy định của HOSE, công ty sẽ thoát khỏi diện bị kiểm soát khi đã khắc phục hết các nguyên nhân dẫn đến bị kiểm soát.

Để giải thích rõ hơn, bà Trần Anh Đào, Trưởng phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết (HOSE), cho biết: riêng đối với trường hợp lỗ, do kết quả kinh doanh một quý không phản ánh hết tính mùa vụ, chu kỳ kinh doanh đặc thù kinh doanh của mỗi công ty, nên HOSE căn cứ vào báo cáo năm có kiểm toán.

Nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm tiếp theo của doanh nghiệp có lãi thì công ty sẽ được đưa ra khỏi diện kiểm soát.
 
Hiện nay, các cổ phiếu bị đưa vào kiểm soát trên HOSE chủ yếu thuộc vào nhóm 1, nhóm các công ty có kết quả kinh doanh lỗ. Tuy nhiên, mức lỗ của các công ty này cũng ở mức độ khác nhau.

Vì vậy, nhà đầu tư cần chú ý xem xét nguyên nhân nào dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ này. Đối với các chứng khoán bị kiểm soát, Sở sẽ theo dõi và yêu cầu doanh nghiệp cập nhật thông tin thường xuyên ra thị trường, đặc biệt tập trung vào những vấn đề khúc mắc của công ty để nhà đầu tư lưu ý.

Trong khi đó, đại diện HASTC cũng cho rằng, dù không đưa dấu hiệu kiểm soát như HOSE nhưng HASTC cũng đã có cảnh báo cho nhà đầu tư và công bố thông tin đầy đủ ra thị trường, nhưng chính thức thì phải chờ báo cáo kiểm toán.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc HASTC, giải thích rằng quan điểm của sàn này là phải theo quy chế, nghĩa là chờ doanh nghiệp thực hiện kiểm toán xong, nếu kết quả kinh doanh vẫn là lỗ mới đưa vào diện "bị kiểm soát".

Vì vậy, tại đây, dấu hiệu kiểm soát phải được căn cứ trên báo cáo tài chính đã kiểm toán.

“Dấu hiệu kiểm soát đối với cổ phiếu hiện nay là hơi nặng. Vì vậy, nên chăng tùy theo mức độ nghiêm trọng mà đưa ra dấu hiệu phù hợp. Đối với doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ 1 năm thì chỉ nên đưa vào diện cảnh báo”, ông Dũng chia sẻ.

Cảnh báo hay kiểm soát?

Theo quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bản chất của việc đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát như hiện nay là sự lưu ý cho nhà đầu tư đối với các báo cáo tài chính của doanh nghiệp bị thua lỗ, chứ không phải là sự kiểm soát đặc biệt. Tất nhiên, khái nhiệm kiểm soát và cảnh báo là khác nhau.

Nếu doanh nghiệp chỉ lỗ một năm tài chính trước đó thì chỉ cần đưa vào diện cảnh báo để lưu ý nhà đầu tư thận trọng trong giao dịch.

“Khi đưa ra chữ kiểm soát có hai mặt, nếu nhà đầu tư không hiểu mà nghĩ đó là vấn đề rất trầm trọng thì tác động tâm lý không tốt. Nhưng nếu đưa dấu hiệu kiểm soát thì cũng làm cho tính minh bạch tốt hơn và trong khi công ty có vấn đề thì nhà đầu tư sẽ lưu ý hơn.

Nên chúng tôi cũng đang bàn với các sở xác định các hướng có thống nhất để sửa quy chế giao dịch và thống nhất cách hiểu đối với những cổ phiếu có vấn đề như thế này”, Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán cho biết thêm.

Để thống nhất cách hiểu và cách làm của HOSE và HASTC đối với trường hợp doanh nghiệp niêm yết bị lỗ, trước mắt Ủy ban Chứng khoán sẽ có một công văn hướng dẫn chung về cách xử lý với doanh nghiệp niêm yết bị lỗ trên cả hai sàn theo hướng chỉ đặt dấu hiệu “cảnh báo” thay vì dấu hiệu “kiểm soát” như hiện nay, nhằm giúp nhà đầu tư thận trọng hơn khi mua cổ phiếu những cổ phiếu đó.

Dấu hiệu cảnh báo dự kiến cũng sẽ được gỡ bỏ ngay khi doanh nghiệp báo cáo kết quả quý tiếp theo là số dương, chứ không chờ đến kết quả của năm tài chính sau là dương mới được gỡ bỏ.