06:00 20/01/2023

Ước mơ nhà ở xã hội: Người lao động vẫn khó với tới

Thanh Xuân

Tình cảnh 3-4 người ở trong một phòng trọ diện tích chưa đầy 10m2 là hình ảnh rất phổ biến tại thành phố lớn, nhất là những khu vực gần khu chế xuất, khu công nghiệp. Những người lao động ở đây, ai cũng mơ ước mua được căn nhà giá rẻ, phù hợp với khả năng thu nhập của mình. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội lại đang vô cùng khan hiếm, khiến ước mơ của họ khó thành hiện thực...                

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Anh Phan Văn Oánh, quê Thái Nguyên là công nhân đang tạm trú tại huyện Đông Anh, TP.Hà Nội, kể rằng thu nhập của mình vài trăm ngàn mỗi ngày mà phải chi trả tất cả các loại phí cho một gia đình 4 người, nên dù sinh sống ở thành phố 10 năm vẫn không đủ khả năng mua nhà. Anh bảo: “Mơ ước chỉ là mơ ước, bởi một căn hộ có rẻ cũng hơn 1 tỷ đồng, với thu nhập hiện nay, tôi làm sao kham nổi”.

ƯỚC MƠ VẪN QUÁ XA VỜI

Không chỉ công nhân lao động chân tay, ngay cả những người lao động trí óc như anh Đỗ Đình Vạn quê Thanh Hóa đang làm việc tại một công ty truyền thông, dù bám trụ ở TP.Hà Nội gần 20 năm, song đến nay vợ chồng anh vẫn phải thuê phòng trọ vì rất khó tìm mua được một căn hộ có giá hợp lý để ổn định cuộc sống. “Thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 20 triệu/tháng, nhưng chi phí cho thuê nhà rồi sinh hoạt hàng tháng cũng gần hết, nếu mua nhà gần trung tâm tầm 2-3 tỷ đồng trở lên thật quá khả năng. Cho nên tôi mong tìm được một chung cư tầm 500-600 triệu/căn mới có thể mua được”, anh giãi bày.

Trường hợp như anh Oánh hay anh Vạn chỉ là vài trong số hàng trăm nghìn người lao động ở đô thị không đủ khả năng tạo lập chỗ ở. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi tốc độ phát triển quá nhanh ở các thành phố như Hà Nội và TP. HCM, số lượng nhà ở thực tế chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn của người dân, trong đó có công nhân và người thu nhập thấp.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mới chỉ đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu. Cụ thể nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 tương đương 93.090 căn hộ, còn nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 tương đương 62.700 căn hộ. Riêng nhà ở cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại 370 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, nhu cầu an cư, lạc nghiệp của hàng triệu con người này là rất bức thiết. Thế nhưng, nhà ở phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. 

Theo thống kê từ các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới có khoảng 5% số công nhân được ở nhà do doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng. Số còn lại chưa có chỗ ở hoặc đang phải thuê nhà ở tạm bợ. Đặc biệt khoảng 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước phải thuê nhà trọ của tư nhân. Phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 - 4m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, môi trường sinh hoạt chật chội, nhếch nhác, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.

Về vấn đề nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Phan Thế Điệp đánh giá, hiện nay cũng như lâu dài, nhu cầu nhà giá rẻ, nhà ở xã hội nói chung rất lớn, cung không đủ cầu kể cả lúc thị trường đóng băng.

CẦN CÓ ƯU ĐÃI DOANH NGHIỆP

Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội, trả lời ý kiến của cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất phương án bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thay vào đó, Bộ yêu cầu bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Cụ thể, UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ, phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. 

Phương án của Bộ Xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình bởi hiện vẫn đang tồn tại song song 2 quy định liên quan. Theo đó, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được phép nộp tiền để hoán đổi phần diện tích 20%, thay vì phải giữ lại để xây dựng nhà ở xã hội. Thực tế, nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn việc nộp tiền nên dẫn đến việc phân khúc sản phẩm nhà ở xã hội vốn đã thiếu nay lại càng thiếu trầm trọng. Thực hiện đề xuất trên sẽ phần nào cải thiện được nguồn cung nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của công nhân, người thu nhập thấp.

Bình luận về đề xuất của Bộ Xây dựng, một chuyên gia về nhà ở cho rằng dự thảo Luật Nhà ở đã có phiên bản không áp dụng quy định nêu trên. Thay vào đó, dự thảo đưa ra 2 chính sách đổi mới phát triển nhà ở xã hội. 

Một là, “chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để kinh doanh”. Hai là, “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để đầu tư xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn”. Những đổi mới chính sách như vậy rất phù hợp cho phát triển nhà ở xã hội.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khẳng định rất muốn tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, vì đây không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn là trách nhiệm với xã hội, nhưng họ lại gặp nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc.   

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5 phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ước mơ nhà ở xã hội: Người lao động vẫn khó với tới - Ảnh 1