18:17 27/09/2024

Ước tính chi trả bồi thường hàng nghìn tỷ vì bão nhưng doanh nghiệp bảo hiểm mới tạm ứng trước 9,9 tỷ đồng

Ánh Tuyết

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 20/9, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra lên tới 9.013 tỷ đồng...

Hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường tổng số tiền là 9,9 tỷ đồng.
Hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường tổng số tiền là 9,9 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, ngày 9/9/2024, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Từ đó, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật. Cùng đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão.

Thông tin về tình hình bồi thường bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết tính đến ngày 20/9/2024, theo số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, đối với bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận 23 trường hợp từ vong, 6 trường hợp thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm là khoảng 13 tỷ đồng.

 

"Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, ước tính thiệt hại là khoảng 9.000 tỷ đồng do bão Yagi gây ra. Hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường tổng số tiền là 9,9 tỷ đồng".

Báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang huy động toàn bộ nhân lực, trực tiếp đến hiện trường xảy ra thiệt hại để hoàn tất công tác giám định tổn thất, tạm ứng bồi thường, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân sự, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.

Trước khi cơn bão xảy ra, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến cơn bão, bằng nhiều hình thức khác nhau đã liên hệ với nhiều khách hàng để hướng dẫn khách hàng các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Tính đến 25/9, hơn 900 khách hàng của Bảo Hiểm Bảo Việt đã được ghi nhận có thiệt hại về tài sản, với tổng giá trị ước tính thiệt hại lên tới 1.000 tỷ đồng. Dựa trên kết quả đánh giá sau cơn bão, Bảo Hiểm Bảo Việt đã khẩn trương thực hiện việc tạm ứng bồi thường theo đúng kế hoạch và tiến độ khắc phục, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, đảm bảo tài chính để nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Các khách hàng cũng đang gấp rút triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, nhằm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.

"Dự kiến, các đợt tạm ứng bồi thường đầu tiên sẽ chiếm khoảng 10% tổng mức dự phòng bồi thường ước tính, đại diện Bảo Hiểm Bảo Việt cho biết.

Còn Bảo hiểm PVI ghi nhận 751 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và con người, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 3.000 tỷ đồng.

Hơn 10 ngày từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, Bảo hiểm PVI bắt đầu tiến hành tạm ứng chi trả cho những khách hàng bị tổn thất tài sản với số tiền nhiều tỷ đồng. 

Việc nhanh chóng thực hiện tạm ứng trong thời gian ngắn phản ánh năng lực và khả năng đáp ứng nhu cầu chi trả bồi thường của doanh nghiệp sau thiên tai đồng thời giúp người dân, khách hàng phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính trong gia đoạn khó khăn. Tuy nhiên việc đánh giá tổn lần này là không dễ dàng, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, do sức tàn phá quá khủng khiếp của cơn bão.