17:03 25/07/2023

Ưu tiên đầu tư 29 dự án cảng biển hơn 31 nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Anh Tú

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nêu rõ những dự án phát triển hạ tầng cảng biển kêu gọi đầu tư tư nhân...

Ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện 29 dự án phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải.
Ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện 29 dự án phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH, TẠO THUẬN LỢI PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG HÀNG HẢI

Quyết định số 886 đưa ra 3 nhiệm vụ thực hiện Quy hoạch gồm: (i) nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch; (ii) nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải; (iii) nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong đó, "thực hiện nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ Luật Hàng hải 2015 theo lộ trình và theo trình tự, thủ tục quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, sửa đổi các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan tạo thuận lợi cho phát triển, quản lý, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải; tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và các bên liên quan", Quyết định số 886 nêu rõ.

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn áp dụng chính sách cảng mở tại Khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải và Vân Phong. Xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng triển khai đầu tư xây dựng cảng biển theo tiêu chí cảng xanh. 

Ngoài ra, hoàn thiện và xây dựng bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thu hút nguồn vốn, quản lý và sử dụng các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy hoạch được phê duyệt.

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN

Về nhiệm vụ liên quan đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải,  Quyết định số 886 nêu rõ ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 của Bộ Giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền duyệt để thực hiện 29 dự án dưới đây, trong đó, dự án có nhu cầu vốn lớn nhất là đầu tư nạo vét tuyến luồng và đê chắn sóng Nam Đồ Sơn khoảng 8.000 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2026-2030.

Ưu tiên đầu tư 29 dự án cảng biển hơn 31 nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước - Ảnh 1

Cũng trong quyết định này, các dự án phát triển hạ tầng cảng biển kêu gọi đầu tư thực hiện sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp theo tiến độ quy hoạch được duyệt cũng được đề cập rõ ràng. Tùy theo tình hình tăng trưởng hàng hóa và năng lực của nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các bến cảng.

Ưu tiên đầu tư 29 dự án cảng biển hơn 31 nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước - Ảnh 2

Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 33.600 ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước đến năm 2030 dự kiến là 606.000 ha.

NGHIÊN CỨU CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ ĐỂ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

Để thực hiện quy hoạch nêu trên, Quyết định số 886 đề ra các giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng.

Theo đó, tập trung, bố trí đủ nguồn vốn cho công tác quy hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ chế thu hút, tiếp nhận nguồn lực cho công tác lập quy hoạch từ các tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập quy hoạch để giảm bớt áp lực ngân sách.

 

Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực tổ chức thực hiện các quy hoạch liên quan đến huy động nguồn lực để triển khai lập quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành hàng hải; nghiên cứu sử dụng nguồn thu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng; miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển để đầu tư phát triển cảng biển và các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Cùng với đó, cân đối ngân sách, bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng hàng hải công cộng (hệ thống luồng hàng hải, các công trình đèn biển, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải, quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, các công trình phụ trợ) theo lộ trình quy hoạch phát triển cảng biển được phê duyệt, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư cảng biển và các hạ tầng liên quan tại khu vực. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để bố trí nguồn lực thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch.

"Huy động đa dạng các nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách, nguồn lực trong nước và ngoài nước để thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch. Thể chế hóa các giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực để đảm bảo triển khai hiệu quả, khả thi", Quyết định số 886 chỉ rõ.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường các mối quan hệ với các tổ chức liên quan thuộc các đối tác chiến lược của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các tổ chức khác để thu hút vốn đầu tư hạ tầng cảng biển, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển.

Rà soát việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí cho thuê kết cấu hạ tầng hàng hải, đề xuất cụ thể cơ chế sử dụng từ nguồn thu này đáp ứng cho các dự án cấp thiết lĩnh vực hàng hải.

Nghiên cứu áp dụng ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư sử dụng mặt nước, khu vực biển (quy định tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020) để tăng cường thu hút nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải.

Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để cung cấp thông tin quy hoạch, các chính sách đầu tư của từng vùng, từng địa phương nhằm kêu gọi thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách đáp ứng đủ nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng biển theo quy hoạch được duyệt