23:39 11/05/2022

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng "nóng"

Quang Trung

Theo Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng nhiều rủi ro do nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua trái phiếu riêng lẻ...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5, liên quan đến thị trường vốn, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết bên cạnh những kết quả tích cực, việc tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, cần được quan tâm và đánh giá kỹ.

THỊ TRƯỜNG TĂNG TRƯỞNG KHÔNG BỀN VỮNG

"Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm", ông Thanh nêu rõ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng nhiều rủi ro do nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua trái phiếu riêng lẻ.

Một số trường hợp có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng.

Ông Thanh cũng lưu ý, một số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường (khoảng 1,5 triệu), nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá cơ cấu thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tồn tại sự mất cân đối. Hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của ngành bất động sản, phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết có ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn. Việc này dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng.

"Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ", ông Thanh nói.

Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: VGP
Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: VGP

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, có ý kiến cho rằng thời gian qua, thị trường bùng nổ hoạt động cho vay bất động sản và phát hành trái phiếu với tỷ lệ tín dụng bất động sản và việc mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của chính tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán thành viên hiện ở mức cao.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho thấy, trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn. Tính đến cuối tháng 3/2022, toàn hệ thống có 40 tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư là 326.500 tỷ đồng, 19% so với cuối năm 2021. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp so với tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2022 là 2,95%.

Tính đến hết tháng 3/2021, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 160.600 tỷ đồng (tăng 24,1% so với cuối năm 2021), chiếm tỷ trọng 49,2% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống.

Do đó, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ báo cáo và làm rõ vấn đề này.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ làm rõ số liệu tổng số trái phiếu phát hành, trong đó bất động sản là bao nhiêu, nợ đến hạn là bao nhiêu và nợ đến hạn không có khả năng thanh toán là bao nhiêu. 

Ông cũng yêu cầu làm rõ nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng nóng này và trách nhiệm thuộc về ai, nếu như nguyên nhân nằm ở nghị định không chặt chẽ, không được nói chung chung.

RÀ SOÁT VÀ ĐÁNH GIÁ RỦI RO

Thay mặt Chính phủ giải trình về các nội dung này tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh thị trường vốn (gồm cổ phiếu, trái phiếu); thị trường tiền tệ  gồm liên quan ngân hàng và thị trường bất động sản có sự liên thông với nhau.

"Với thị trường bất động sản, hiện chưa tiếp cận đến cung - cầu thật sự. Cung - cầu hiện nay không thực tế và việc đầu cơ, mua bán găm giữ, vốn chảy vào đây còn nhiều vấn đề, kể cả thị trường vốn, kể cả thị trường tiền tệ. Đây là bất cập rất lớn", ông Khái phát biểu. "Sau khi phát hiện, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng có đánh giá, tổ chức thực hiện, trong đó phải kiểm soát thị trường nếu không sẽ ảnh hưởng tới vĩ mô, đặc biệt kiểm soát lạm phát sẽ bị ảnh hưởng rất lớn".

Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định để sửa Nghị định 153 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cùng với đó, trong lúc chưa sửa được nghị định, Chính phủ giao Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình, đặc biệt báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường tiền tệ cho vay bất động sản với những khoản tới hạn. Với trái phiếu phát hành mới, Bộ Tài chính sẽ rà soát và đánh giá rủi ro để kiểm soát tốt nhất trong lúc chưa hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Thị trường vốn rất quan trọng trong hệ thống kinh tế thị trường, bởi đây là kênh dẫn vốn trung và dài hạn. Nếu không, thị trường tiền tệ ngắn hạn sẽ không đáp ứng được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 720.000 tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm 2020. Trong đó, phát hành riêng lẻ đạt 680 nghìn tỷ đồng (tăng 55,2%), chiếm tỷ trọng 94,4% tổng giá trị phát hành; phát hành ra công chúng đạt 40 nghìn tỷ đồng (tăng 17,6%) và chiếm tỷ trọng 5,6% tổng giá trị phát hành.

Quý 1 năm nay, tổng giá trị phát hành là 56.400 tỷ đồng. Trong đó, phát hành riêng lẻ là 49.400 tỷ đồng và phát hành ra công chúng 7.000 tỷ đồng, lần lượt chiếm 87,6% và 12,4% tổng giá trị phát hành.

Xét theo ngành, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của ngành bất động sản và tài chính - ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất, lần lượt là 41,6% và 20,4% tổng giá trị phát hành.