19:51 09/02/2012

Vẫn chưa rút ngắn được T+4 thành T+3

Khánh Hà

Nhà đầu tư vẫn không thể bán số chứng khoán về chiều ngày T+3 ngay cả khi thời gian giao dịch được kéo dài

Khi thị trường èo uột, thời gian giao dịch càng dài có khi lại khiến nhà đầu tư thêm "khổ sở".
Khi thị trường èo uột, thời gian giao dịch càng dài có khi lại khiến nhà đầu tư thêm "khổ sở".
Thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HSX) tính chuyện kéo dài thời gian giao dịch thêm tiếng rưỡi nữa được coi là cú hích tốt cho thị trường, nhất là khi thị trường đang sốt. 

Thực tế đề án này đến nay vẫn chưa rõ thời điểm chính thức triển khai. Theo thông tin từ một quan chức của Ủy ban Chứng khoán, HSX đang tổ chức lấy ý kiến các thành viên thêm, đồng thời ngoài vấn đề kỹ thuật, còn phải tính đến thời điểm triển khai: “Nếu thị trường tốt, việc kéo dài thời gian giao dịch sẽ có hiệu ứng tích cực hơn”, quan chức này cho biết. 

Một điểm mà giới đầu tư khá hào hứng với kế hoạch này là phiên giao dịch buổi chiều có thể giúp tăng tăng mức độ linh hoạt của vòng quay chứng khoán, khi hiện tại cổ phiếu giao dịch ngày T về tài khoản chiều T+3. Khi giao dịch chỉ diễn ra vào buổi sáng, T+3 biến thành T+4 vì thực tế nhà đầu tư chỉ có thể bán được chứng khoán vào sáng hôm sau, tức là chậm đi một ngày nữa.

Theo kế hoạch kéo dài thời gian giao dịch, phiên buổi chiều sẽ bắt đầu từ 13h và kéo dài đến 14h30. Trong đó một giờ đầu tiên sẽ thực hiện tiếp giao dịch liên tục và 15 phút còn lại dành cho giao dịch ATC đóng cửa. 

Kỳ vọng lớn của nhà đầu tư là khi chứng khoán về T+3 buổi chiều, có thể tiến hành giao dịch ngay và T+4 sẽ được rút ngắn lại. Tuy nhiên, điều này sẽ không trở thành hiện thực vì quy trình kết thúc thanh toán lại hoàn tất sau khi phiên giao dịch buổi chiều đã đóng cửa.

Trao đổi với VnEconomy, một quan chức của Trung tâm Lưu ký cho biết phải đến 15h30 thì trung tâm mới kết thúc chu trình thanh toán và như vậy cổ phiếu T+3 sẽ về không kịp cho phiên giao dịch buổi chiều vì thời gian giao dịch buổi chiều chỉ kéo dài từ 13h đến 14h30. Tóm lại, T+3 vẫn là T+4 như hiện tại, không có gì thay đổi.

Như vậy phiên giao dịch thêm vào buổi chiều chỉ giúp nhà đầu tư có thêm thời gian “chiến” nếu chưa mua/bán được vào buổi sáng. Giới đầu tư chuyên nghiệp có thể ưa thích điều này vì thực tế họ cũng bám sàn cả ngày. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài lệch múi giờ cũng có thể tham gia giao dịch tại Việt Nam mà không phải thức khuya dậy sớm như trước. Việc kéo dài thời gian giao dịch cũng phù hợp với lộ trình tiến tới thông lệ quốc tế.

Kỳ vọng vào việc kéo dài thời gian giao dịch để gia tăng thanh khoản cũng rất mơ hồ. Vấn đề thanh khoản liên quan đến dòng tiền và xu hướng thị trường. Trong những giai đoạn tăng trưởng tốt trước đây, dù không có giao dịch buổi chiều thì quy mô thanh khoản vẫn tăng rất tốt. Thời gian giao dịch kéo dài hơn trong bối cảnh thị trường èo uột thì thậm chí chỉ khiến nhà đầu tư giao dịch một cách chậm rãi hơn. 

Ngược lại, đối với công ty chứng khoán, việc kéo dài thời gian giao dịch đồng nghĩa với thêm việc. Hiện tại thì cả thời gian buổi chiều được dành cho hoạt động sau giao dịch. Việc mất thêm một tiếng rưỡi nữa cũng đồng nghĩa với áp lực làm việc sẽ phải đẩy nhanh hơn để kịp các chu trình thanh toán bù trừ thông thường.

“Việc kéo dài thời gian giao dịch thêm buổi chiều không gặp khó khăn gì về mặt kỹ thuật. Có chăng là sự phối hợp giữa các bên phải chuẩn xác,nhanh chóng hơn. Các khâu phối hợp thông tin phải đẩy nhanh hơn, công việc sẽ nặng hơn. Chẳng hạn để đảm bảo thời gian cho xác nhận các giao dịch buổi chiều, các sở giao dịch sẽ phải chuyển dữ liệu sớm cho trung tâm lưu ký để có thời gian cho các thành viên xác nhận, đối chiếu giao dịch để khớp thanh toán” ý kiến từ Trung tâm Lưu ký cho biết.

Việc đánh giá hiệu ứng của thời gian giao dịch kéo dài có lẽ nên chỉ nhìn nhận dưới góc độ kỹ thuật. Tác động tới xu hướng thị trường hay tâm lý của nhà đầu tư là rất thấp. Thực tế đã cho thấy khi thị trường tăng nóng, nhà đầu tư thậm chí còn đòi giao dịch cả thứ 7. Trong khi thị trường lao dốc liên tục, nhà đầu tư lại đòi thắt biên độ, tạm đóng cửa thị trường!