10:48 09/12/2024

Văn hóa kinh doanh là sức mạnh mềm của doanh nghiệp, là “lạt mềm buộc chặt”

Vũ Khuê

Nền móng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh có vững thì “ngôi nhà” doanh nghiệp mới vững mạnh. Cái cây doanh nghiệp muốn tốt tươi, thì bộ rễ văn hóa kinh doanh phải khỏe mạnh, phải bám sâu, lan rộng trong lòng đất. Văn hóa kinh doanh chính là sức mạnh mềm của doanh nghiệp, là thứ lạt mềm nhưng buộc chặt….

Nhiều doanh nghiệp xây nhà ở công nhân, nhà trẻ cho con em người lao động.
Nhiều doanh nghiệp xây nhà ở công nhân, nhà trẻ cho con em người lao động.

Theo "Sách trắng doanh nghiệp 2024" của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 921.372 doanh nghiệp đang hoạt động, 31.825 hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh.

Đội ngũ doanh nhân tham gia lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có gần 7 triệu người. Trong đó, Việt Nam đã có một số doanh nhân lọt vào Top “tỷ phú USD” toàn cầu. Riêng năm 2024, Việt Nam đã có 190 doanh nghiệp, với 359 sản phẩm là thương hiệu quốc gia.

ĐẠO ĐỨC LÀM ĂN LÀ GIÁ TRỊ SỐNG CÒN CỦA DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP, đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách nhà nước. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

TS Trần Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần giao dịch hàng hóa SAIGON đánh giá, nếu trước đây, doanh nhân kinh doanh chủ yếu để kiếm tiền cho mình, thì ngày nay, ngày càng nhiều doanh nhân không chỉ kiếm tiền cho mình mà còn cho xã hội, làm giàu cho đất nước.

Thế hệ doanh nhân ngày nay tập trung vào văn hóa doanh nghiệp nhiều hơn. Họ hiểu rằng với thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số, nếu không tập trung nâng cao văn hóa, đạo đức doanh nghiệp thì họ sẽ thất bại và lùi lại phía sau.

Văn hóa doanh nghiệp luôn gắn liền với đạo đức doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp tạo ra văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp. Người lãnh đạo có vai trò then chốt trong việc tạo ra văn hoá kinh doanh. Một lãnh đạo tử tế, có đạo đức, có văn hóa thì doanh nghiệp của họ không thể làm ăn bậy bạ.

Ông Đặng Vũ Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PPJ Group ví von: "Văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nghiệp giống như gió, dù vô hình trong không gian nhưng lại mang sức mạnh vô cùng. Gió có thể đẩy cánh buồm xa khơi, nhưng cũng có thể tạo phong ba khiến con tàu đi lệch hướng". Đây cũng chính là tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi của PPJ Group.

Chính vì thế, PPJ Group đã chia sẻ những phúc lợi, an sinh, chăm lo cho người lao động tương ứng với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng từng năm. Ngoài ra, PPJ tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho người lao động bằng các lớp đào tạo nâng cao tay nghề ngay tại doanh nghiệp hoặc đưa đi đào tạo bên ngoài. Đồng thời, tạo cơ hội việc làm cho con em của người lao động để họ càng gắn bó hơn với doanh nghiệp.

“Nền móng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh có vững thì “ngôi nhà” doanh nghiệp mới vững mạnh. Cái cây doanh nghiệp muốn tốt tươi, thì bộ rễ văn hóa kinh doanh phải khỏe mạnh, phải bám sâu, lan rộng trong lòng đất. Văn hóa kinh doanh chính là sức mạnh mềm của doanh nghiệp, là thứ lạt mềm nhưng buộc chặt”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương doanh nhân sáng, vẫn còn những doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh không chân chính, cạnh tranh không lành mạnh. Họ là những doanh nghiệp không chân chính ngay từ trong nhận thức và tư duy của những người lập ra chúng. Vì không được xây dựng trên nền tảng đạo đức, những công ty đó rất khó, thậm chí không thể trở thành những doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn dần hoàn thiện, hệ thống pháp luật chưa đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn, còn nhiều bất cập. Trong bối cảnh như vậy, một số doanh nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm giàu bất chính.

Nhiều doanh nhân đặt mục tiêu vì lợi nhuận nên đã bất chấp pháp luật, xem nhẹ trách nhiệm của mình đối với xã hội, sản xuất, cung ứng những sản phẩm dịch vụ kém chất lượng, độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; buôn gian, bán lận; sử dụng quy trình, công nghệ sản xuất gây ô nhiễm, độc hại môi trường; mua chuộc, hối lộ những cán bộ có chức có quyền để tạo điều kiện cho họ làm ăn phi pháp…

XÂY "NỀN MÓNG" CHO VĂN HOÁ KINH DOANH

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh với sự sống còn của các doanh nghiệp, TS Trần Văn Bình cho rằng Nhà nước cần xây dựng và củng cố khung pháp lý giúp tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khuyến khích họ phát triển theo các tiêu chuẩn đạo đức và xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành các chính sách, phối hợp với các tổ chức giáo dục để phổ biến và giáo dục về văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Từ giáo dục đại học đến các chương trình huấn luyện doanh nhân, việc này sẽ góp phần hình thành thế hệ doanh nhân có ý thức xã hội.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, trước hết cần ưu tiên hoàn thiện thể chế, pháp luật. Tiếp tục công cuộc cải cách hành chính theo hướng trong sạch, minh bạch, chuyên nghiệp, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; loại bỏ các rào cản gây phiền hà cho doanh nghiệp; sắp xếp, quán triệt bộ máy hành chính phải thân thiện, đúng bản chất dịch vụ công để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Hệ thống thể chế phải được cải cách, đổi mới theo hướng tạo nền tảng và khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh có văn hóa, tạo môi trường kinh doanh công bằng với mọi thành phần kinh tế.

Đồng thời phải xây dựng và thực thi các chính sách, quy định pháp luật thực sự đúng đắn, khoa học để không tạo kẽ hở cho làm giàu bất chính. Các thành phần kinh tế được đảm bảo lợi ích chính đáng cũng như ngăn chặn, trừng phạt những hành vi gian lận.

Để xây dựng, phát triển và hoàn thiện đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, TS Lực cho rằng cần xây dựng, hoàn thiện các giá trị đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh Việt Nam theo các chuẩn mực, thông lệ trong nước và quốc tế.

Các chuẩn mực này sẽ là căn cứ để xã hội đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó tạo ra các “sức ép”, động lực để các doanh nghiệp tuân thủ các cam kết, phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh gắn với phát triển văn hóa doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh cộng đồng.

Đồng thời, phải có cơ chế giám sát, xử lý cương quyết với các hành vi sai trái, vi phạm đạo đức của doanh nhân, doanh nghiệp bằng pháp luật, cũng như bày tỏ thái độ phản kháng mạnh mẽ với các hành vi sai trái với các chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp, theo TS Lực, để trở thành những doanh nhân chân chính, bản thân đội ngũ doanh nhân phải tự nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp. Rèn luyện bản thân trở thành người đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế; luôn khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội.