22:26 16/02/2010

Vận hội của Việt Nam trong mắt một người Mỹ

Nguyên Hà

"Năm Canh Dần sẽ là thời điểm lý tưởng cho Tổng thống Barack Obama tới Hà Nội tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ"

Màn biểu diễn của các nghệ sỹ ba lê Việt Nam tại tiệc chiêu đãi các phái đoàn ngoại giao nước ngoài, nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam - Ảnh: Reuters.
Màn biểu diễn của các nghệ sỹ ba lê Việt Nam tại tiệc chiêu đãi các phái đoàn ngoại giao nước ngoài, nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam - Ảnh: Reuters.
Từng là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC), hiện là đồng sáng lập Công ty Tư vấn đầu tư BrooksBowerAsia và vừa đảm trách thêm vai trò Giám đốc, Cố vấn cấp cao Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ), ông Ernest Z. Bower đã có những cảm nhận về vận hội của Việt Nam trong năm Canh Dần 2010.

Năm Canh Dần này, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và kỷ niệm 15 năm thiết lập ngoại giao với Hoa Kỳ.

Và đó, theo tôi, sẽ là thời điểm lý tưởng cho Tổng thống Barack Obama tới Hà Nội tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ.

Ký ức Việt Nam

Nhưng với một người Mỹ như tôi, sợi dây liên kết với Việt Nam bắt đầu từ những năm 1991-1992 khi tôi lần đầu tiên tới đất nước này trong vai trò là người đứng đầu Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) - một tổ chức mà tôi đã cố gắng thiết lập từ giữa những năm 1980s. Hồi đó, Việt Nam còn chưa là thành viên của ASEAN và quan hệ chính thức song phương Việt-Mỹ cũng chưa có.

Nếu trí nhớ của tôi không nhầm thì những ấn tượng đầu tiên của tôi về Việt Nam lúc bấy giờ là đất nước này vừa trải qua một giai đoạn rất khó khăn, vất vả. Thậm chí đã có những cảm nhận u tối, ảm đạm lúc bấy giờ.

Tôi đã không thể nào dùng được thẻ tín dụng bởi lệnh cấm vận của Hoa Kỳ vẫn còn nên các giao dịch như vậy không được phép. Các quầy hàng, cửa hiệu chẳng có gì thú vị bên trong cả và phần đông người ta đi lại bằng xe đạp. Chỉ có một ít xe gắn máy và xe tay ga cũ, lác đác vài chiếc ôtô công trên những con đường uy nghiêm mà vắng vẻ của Hà Nội.

Tôi đã đến Việt Nam bởi lúc đó - cũng giống như một vài chính trị gia và doanh nhân Hoa Kỳ lúc bấy giờ - tôi nghĩ rồi một ngày nào đó, Việt Nam sẽ gia nhập ASEAN, giúp khối này phát triển mạnh hơn. Thực tình, lúc đó cũng chỉ là nghĩ vậy bởi ít ai có thể tin điều đó sẽ diễn ra.

Và trên thực tế, ngẫm lại điều này ngày hôm nay, tôi có thể nói rằng Myanmar có nhiều thứ để học từ những thành công của Việt Nam khi gia nhập ASEAN hay APEC.

Nói một cách công bằng, lúc đầu tôi có ít hy vọng về Việt Nam lắm, ngoại trừ việc gặp được một số người mà tôi thấy rất thú vị. Và từ đó, người Việt luôn mang lại cho tôi một cảm giác lạc quan và kỳ vọng. Cho đến giờ, họ vẫn thế.

Rất khó để có thể khái quát hóa điều này, thế nhưng tôi nhận thấy rõ một điều là những người bạn Việt Nam của tôi thuộc nhóm người chăm chỉ, trung thực và tận tâm nhất trên thế giới! Cũng như tôi, những ưu tiên của người Việt Nam là gia đình, bạn bè và đất nước - và đồ ăn nữa, dĩ nhiên rồi! Và tôi luôn có cảm giác như ở nhà mỗi khi đến Việt Nam.

Một số người bạn Việt Nam đầu tiên của tôi là bà Phạm Chi Lan - lúc đó bà đang công tác ở Phòng TM-CN Việt Nam (VCCI), ông Vũ Khoan - khi đó ông đang làm ở Bộ Ngoại giao. Rồi ông Lê Văn Bàng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - người có vai trò quan trọng trong nỗ lực tái lập mối bang giao Việt-Mỹ. Và tôi đến để xem liệu Việt Nam có gia nhập khối ASEAN và liệu đây có thể trở thành một thị trường cho Hoa Kỳ và khu vực Đông Nam Á hay không. Thông qua sự trợ giúp của những người bạn ở đây, tôi cảm nhận rằng điều đó là hoàn toàn có thể cho dù khả năng đó rất khó tin vào lúc bấy giờ.

Ngày hôm nay đến Việt Nam, tôi đã có những cảm nhận khác so với thời điểm 1991-1992. Con người thì vẫn thế - rất chăm chỉ, yêu gia đình, tận tâm cho sự phát triển - thế nhưng môi trường chung đã hoàn toàn khác.

Phố phường đông đúc, các cửa hàng, cửa hiệu đầy ắp hàng hóa cả Việt Nam lẫn nhập ngoại, vỉa hè trước cửa các nhà hàng và quán bia hơi chật ních, tràn lấn cả xuống lòng đường, người người nói cười huyên náo. Việt Nam dường như đang phát triển và đầy sức sống. Tôi hoàn toàn có cơ sở khi kỳ vọng vào đất nước này.

Hôm bay từ Singapore qua Hà Nội sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC (tháng 11/2006), lúc đi dạo trước vườn hoa Lenin ở đường Điện Biên Phủ, tôi ngắm nhìn lũ trẻ trượt patin trước tượng đài Lenin và tôi đã nghĩ rằng đó là một hình ảnh khá hoàn hảo về Việt Nam hôm nay.

Người Việt Nam dường như đang có những bước tiến trong giáo dục, hội nhập thế giới nhưng vẫn chọn lựa được những nhân tố cần thiết cho cuộc sống của mình. Công cuộc cải cách kinh tế gọi là “đổi mới” chắc chắn đã mang lại những thành quả xứng đáng về cơ hội kinh tế và sức vươn lên cho đất nước này. Nó đã mở thêm những cơ hội cho người Việt Nam, nâng cao đời sống của họ. Nó không chỉ đơn thuần là cuộc sống vật chất, mà tôi nghĩ đó là một cuộc sống hạnh phúc hơn, có cơ hội học hỏi, thăng tiến hơn.

Bạn có thể cảm nhận rõ điều đó trong mắt người dân Việt Nam ngày nay, đặc biệt là khi bạn nhìn ngắm một người bà dắt cháu đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm - lúc đó bạn sẽ thấy rằng người bà hiểu được tương lai sáng lạn của đứa cháu mình như thế nào. Và có lẽ chẳng có gì hài lòng hơn thế!

Phía trước của Việt Nam

Nhìn về Việt Nam phía trước, rõ ràng đất nước này đã nhanh chóng bước lên đài lãnh đạo khối ASEAN.

Việt Nam đã tận dụng thời gian để học hỏi, nghiên cứu các mối liên kết ngoại giao khu vực, có cách thức tiếp cận nghiêm túc trong bang giao quốc tế. Và thành thật mà nói, Việt Nam đã thành công trong vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Đây là một trong những diễn đàn ngoại giao lớn nhất thế giới và Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò của mình.

Với quan hệ song phương Việt-Mỹ, tiến trình này đã có những bước đi vững chắc và hài hòa. Năm Canh Dần này kỷ niệm 15 năm mối bang giao của hai nước và cả hai đã sẵn sàng cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực giáo dục, hợp tác an ninh, quân sự và đặc biệt là mối bang giao kinh tế-đầu tư vốn đã kết gắn hai nước ngay từ buổi đầu tái lập quan hệ.

Còn nhớ khi bắt đầu khởi động mối quan hệ song phương Việt-Mỹ, vấn đề Việt kiều và tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh luôn choán hết mọi chương trình làm việc. Một số người thậm chí cảm thấy bực bội khi họ không có một kênh thông tin đầy đủ và chính thức nào về những quan ngại của họ. Cho đến hôm nay, một câu chuyện thành công đã trả lời cho mọi khúc mắc trên. Việt Nam đã tự tin giải quyết những bất đồng đó thông qua đối thoại và các cuộc trao đổi ý kiến.

Sẽ chẳng làm được việc đó nếu như Việt Nam không có sự tự tin cần thiết khi hội nhập và tham gia xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu như vậy. Bắt đầu là vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang được xem là một trong những thành viên lớn mạnh của khối.

Với mối quan hệ kinh tế song phương Việt-Mỹ cũng vậy. Việt Nam dường như khá nghiêm túc thực thi các thỏa thuận AFTA, WTO. Có thể ở một số khía cạnh, lĩnh vực nào đó năng lực thực thi chưa được hoàn hảo, nhưng rõ ràng là ý định thực thi nghiêm túc là có.