15:16 21/12/2016

"Vẫn khó có thể nói tương lai TPP thế nào"

Nguyên Vũ

Dù có hay không có TPP, Chính phủ cũng đang rà soát lại để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong vòng 3 – 5 năm tới

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận.</span>
Cho đến bây giờ khó có thể nói tương lai của TPP thế nào, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hồi âm Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Tiếp tục phiên họp thứ 5, sáng 21/12 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện nghị quyết số 1052 ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hết sức chung chung

Báo cáo về nội dung này, Chính phủ khẳng định, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực. Song, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. 

Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Tăng trưởng thời gian qua phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ... Chính phủ nhìn nhận.

Chính phủ cũng đánh giá, cùng với quá trình phát triển, đã xuất hiện các điểm “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển. Trong đó, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là các nội dung đặc biệt quan trọng, cần lưu tâm đặc biệt để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế.

"Phê" Chính phủ gửi báo cáo chậm, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, có 4 nội dung của nghị quyết 1052 liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ trong năm 2016, nhưng báo cáo của Chính phủ mới đề cập hết sức chung chung về tồn tại, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ này. 

Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần bổ sung một số nội dung. Như, ban hành thống nhất chỉ tiêu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế ngay từ đầu năm 2016, góp phần đánh giá đầy đủ chất lượng lao động trước xu hướng dịch chuyển lao động tự do nội khối theo quy định của Cộng đồng ASEAN.

Hay, ban hành quy định chính thức về bộ chỉ số hội nhập kinh tế phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn của Việt Nam trong năm 2016. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao ngay từ năm nay...

Phân vân TPP

Đi vào những vấn đề cụ thể, liên quan đến Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP), báo cáo của Chính phủ cho biết, sau khi được ký kết vào tháng 2/2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát pháp lý Hiệp định này và hiện đang tiếp tục rà soát pháp luật đảm bảo thực thi Hiệp định TPP, đề xuất phương án điều chỉnh pháp luật cụ thể phù hợp với lộ trình và yêu cầu của Hiệp định TPP.

Chính phủ cũng kiến nghị tiếp tục thực hiện các cam kết của Việt Nam thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), định hướng thực hiện các cam kết theo TPP, FTA Việt Nam-EU và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế khác với mục tiêu hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách kinh tế thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói ông thấy phân vân về Hiệp định TPP và muốn biết Chính phủ dự báo đánh giá thế nào về hiệp định này? 

Ta đã tích cực tham gia từ đầu đến cuối TPP, nay Mỹ tuyên bố rút thì ta đánh giá thế nào? liệu việc này có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam hay không?

Sau khi nêu câu hỏi, Phó chủ tịch nhìn nhận, một số nước lo lắng về TPP, có nước mạnh mẽ cho rằng có Mỹ hay không thì vẫn thực hiện, nhưng có nước cho rằng sẽ khó khăn. Việt Nam thì ảnh hưởng ra sao và khắc phục thế nào phải lưu tâm, ông nhấn mạnh.

Nhận thiếu sót vì báo cáo gửi muộn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, trong hội nhập kinh tế quốc tế, tính tích cực và chủ động của Việt Nam có mức độ, tới đây cần cố gắng hơn, lựa chọn xem mình tham gia cuộc chơi nào, một cách chủ động hơn. 
 
Có nhiều ý kiến nói chúng ta đàm phán hội nhập quốc tế khá thành công, nhưng hội nhập trong nước chưa tương thích, tâm thế chuẩn bị hội nhập còn hạn chế. Nên cơ hội chưa khai thác hết, thách thức không vượt qua được, có khi thua ngay trên sân nhà, nên Chính phủ cần nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề này, ông Huệ nói.

Hồi âm câu hỏi của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ về TPP, Phó thủ tướng cho biết, cho đến giờ khó có thể nói tương lai TPP thế nào. Sau 20/1/2017,  Tổng thống mới của Mỹ mới nhậm chức, mới có thể nói chính sách thương mại, đối ngoại của Mỹ ra sao. Còn hiện nay, Nhật Bản đã phê chuẩn. Tới đây, Thủ tướng Nhật sang Việt Nam, một trong các mục tiêu là vận động Việt Nam sớm phê chuẩn TPP, để các nước phê chuẩn, cùng gia tăng áp lực với Hoa Kỳ. 

Dù có hay không có TPP, Chính phủ cũng đang rà soát lại để hoàn thiện hệ thống pháp  luật trong vòng 3 – 5 năm tới, vì Hiệp định chúng ta ký với EU, nhiều tiêu chuẩn cũng tương đồng với TPP, Phó thủ tướng cho biết tiếp.