09:23 18/07/2007

“Vẫn nên tiếp tục IPO”

TS. Phan Minh Ngọc

Việc các đợt IPO gần đây thành công chỉ ở mức giá khiêm tốn chưa hẳn là một điều xấu, đáng báo động

Quy mô của thị trường chứng khoán sẽ không thể tăng lên mạnh được, nếu quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có những khuôn mặt cũ.
Quy mô của thị trường chứng khoán sẽ không thể tăng lên mạnh được, nếu quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có những khuôn mặt cũ.
“Dừng hay tiến” các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của các doanh nghiệp Nhà nước lớn đang là vấn đề được đông đảo độc giả quan tâm. Tiếp tục chủ đề này, VnEconomy xin giới thiệu bài viết với nhiều ý kiến mang tính phản biện của TS. Phan Minh Ngọc.

>>IPO, dừng hay tiến? / Điều chỉnh IPO đối với doanh nghiệp nhà nước?

Sau 2 đợt IPO gần đây nhất của Bảo Việt và Bảo hiểm Dầu khí (PVI), với giá đấu thầu thành công bình quân ở mức khá khiêm tốn so với kỳ vọng của các nhà phát hành, đã có nhiều cảnh báo, đề nghị hoãn những đợt IPO sắp tới của các “đại gia”.

Cơ sở của những đề nghị này là lượng vốn trong dân chúng đã tới hạn (hoặc chỉ có hạn), còn nguồn vốn vay có thể trông chờ từ phía ngân hàng thì đã bị “trói” bởi quy định mới đây của Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán ở mức 3%.

Do đó, theo những người đề nghị, nếu nguồn cung chứng khoán tiếp tục tăng lên dồn dập thì giá cả trên thị trường chứng khoán sẽ tất yếu phải sụt giảm, làm thiệt hại cả doanh nghiệp lẫn nhà nước, cũng như sẽ đẩy thị trường lún sâu vào suy thoái, phải cần nhiều năm mới gượng dậy được như kinh nghiệm mấy năm trước chỉ ra. Thêm nữa, luồng vốn nước ngoài đổ vào thị trường sẽ bị hạn chế vì nhiều cổ phiếu đã hết “room”. Trước viễn cảnh này, theo họ, sự trì hoãn các đợt IPO là một điều cần thiết.

Tuy nhiên, nếu lật lại vấn đề, tác giả cho rằng những đề nghị này còn mang nhiều cảm tính.

Trước tiên và quan trọng nhất, nếu phải trì hoãn thì biết hoãn đến bao giờ? Ai có thể dự đoán và chỉ ra thời điểm thích hợp nhất để tiến hành IPO? Và cho dù có làm được điều này thì tại thời điểm được cho là thích hợp nhất này (ví dụ, theo nhiều người thì đó là quý 3 năm nay), các doanh nghiệp sẽ đua nhau tiến hành IPO để chớp thời cơ lúc thị trường đang thăng hoa. Nhưng nếu vậy thì lại lặp lại vấn đề cung lớn hơn cầu mà ta đang và sắp bàn đến dưới đây.

Để tránh tình trạng đua tranh này, chắc là phải làm một “danh sách” ưu tiên ai được IPO trước, ai phải IPO sau ư? Cơ sở nào để làm vậy?

Thứ hai, như tác giả đã từng lập luận trong một bài viết trước đây về cùng đề tài, hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán chỉ tác động chủ yếu đến những ngân hàng thương mại cổ phần, là những ngân hàng vốn chỉ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, trong khi các ngân hàng thương mại quốc doanh chỉ mới cho vay một tỷ lệ nhỏ theo loại hình này, và do đó họ còn rất nhiều “room” cho vay nếu các ngân hàng này muốn và khách hàng có nhu cầu. Nếu họ tích cực cho vay, cung vốn đổ vào thị trường chứng khoán sẽ không sút giảm mạnh như dư luận đang lo ngại.

Ngược lại, nếu cung vốn từ những ngân hàng quốc doanh không tăng lên mạnh thì cũng là điều bình thường, phản ánh thái độ thận trọng phòng ngừa rủi ro của họ, và không thể trách tại sao họ không “mở” hầu bao phục vụ các thượng đế trên thị trường chứng khoán.

Nói cách khác, quy định về hạn mức đầu tư chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước nếu có gây ảnh hưởng thì chỉ là ảnh hưởng lên các ngân hàng thương mại cổ phần nào đã “lao theo” chứng khoán quá nhiều, và vì vậy, không thể kết luận rằng nguồn vốn đổ vào thị trường chứng khoán từ hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như không có đủ căn cứ để “buộc tội” Ngân hàng Nhà nước trong việc làm trì trệ thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ ba, nếu nguồn vốn trong dân đúng là đã tới hạn (chính xác hơn là bị giới hạn bởi tốc độ tăng trưởng thu nhập dân cư, là điều phụ thuộc vào tốc độ tăng GDP), và cứ cho là nguồn vốn từ ngân hàng sẽ bị cắt giảm mạnh bởi quy định trên của Ngân hàng Nhà nước, thì cho dù các đợt IPO sắp tới đây của 20 tổng công ty, 400 doanh nghiệp và các ngân hàng lớn có được trì hoãn thêm một thời gian nữa thì cũng chẳng có ích lợi gì, vì nguồn vốn khả dụng để “nghênh đón” các đợt IPO này vẫn chỉ có chừng đó, và rốt cuộc các đợt IPO chắc chắn cũng sẽ không mang lại kết quả khả quan hơn hiện tại.

Để tránh tình trạng này, dường như chỉ còn một giải pháp duy nhất là ngừng vô thời hạn IPO của một bộ phận lớn trong số các tổng công ty và các doanh nghiệp để đảm bảo cung không vượt quá cầu (tại mức giá kỳ vọng cao như hiện nay). Mà điều này chắc chắn là không tưởng, vì nó đồng nghĩa với việc quay lưng lại với tiến trình cổ phần hóa của Đảng và Nhà nước - vốn luôn được cam kết đẩy mạnh, nhưng đã và đang được tiến hành rất chật vật so với kế hoạch.

Và nó cũng có nghĩa là quy mô của thị trường chứng khoán sẽ không thể tăng lên mạnh được, nếu quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có những khuôn mặt cũ, kèm thêm một số không đáng kể các khuôn mặt mới.

Thứ tư, việc các đợt IPO gần đây thành công chỉ ở mức giá khiêm tốn không phải là một điều xấu, đáng báo động, mà thậm chí là ngược lại. Nói chúng có mức giá khiêm tốn là khiêm tốn so với giá cũng của chúng (ví dụ PVI) ở đỉnh điểm cơn sốt trên thị trường chứng khoán. Mà cái giá ở thời kỳ nóng sốt này chưa chắc đã là giá trị thực của doanh nghiệp.

Cứ cho là giá cả ở mức thấp như hiện tại là một thiệt thòi cho cổ đông và cho Nhà nước. Nhưng thử đặt ngược câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra cho cùng một doanh nghiệp đó, với giá IPO có thể cao hơn nhiều so với hiện nay, nếu “may mắn” được tiến hành vào lúc thị trường đang nóng sốt? Khi mà doanh nghiệp đó không mang lại kỳ vọng lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, thì chỉ còn một kết cục là giá cổ phiếu đó phải tụt xuống, phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp, và tức là các cổ đông sẽ bị thiệt hại trong tương lai. Thời gian sẽ là người phán định cuối cùng.

Thứ năm, sự kiện giá của những cổ phiếu này chỉ được thị trường xác định ở mức vừa phải như hiện nay đã có một tác dụng tích cực lên tính bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là nó đã kéo tụt giá của một loạt những cổ phiếu khác trở về mức hợp lý hơn, trong số đó có nhiều doanh nghiệp vốn làm ăn không ra gì nhưng vẫn có giá cổ phiếu ở mức “trên trời” như trước đây.

Lợi ích này là điều không thể xem nhẹ, khi xét đến mục đích tối thượng của Chính phủ đối với thị trường chứng khoán là sự phát triển bền vững chứ không phải nóng sốt.

Cuối cùng, điều mà tác giả của những kiến nghị trì hoãn IPO đã bỏ qua hay không đánh giá đúng tầm là sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây có lẽ mới chính là lực lượng chủ chốt để kích thích thị trường đón nhận các đợt IPO mới. Hiện tại, vai trò này của họ vẫn mờ nhạt vì một số lý do, trong đó bao gồm cả việc còn bị ràng buộc bởi những quy định hành chính (chẳng hạn như quy trình chuyển vốn vào Việt Nam).

Kết luận rằng nhiều cổ phiếu đã bị hết “room” nên nguồn vốn nước ngoài không thể đổ vào nhiều cũng sai về logic, khi mà các đợt phát hành IPO mới còn đầy “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài nếu họ muốn tham gia cuộc chơi, hoặc nếu những đợt IPO này là hấp dẫn trong mắt họ.