09:15 15/08/2007

Vẫn nóng thị trường lao động cuối năm

Ái Vân

7 tháng đầu của năm 2007 đã qua đi, tình hình thị trường lao động vẫn không hạ sốt

Tình trạng thiếu hụt lao động không còn dừng lại ở một số ngành nghề mà đã là vấn đề chung của tất cả các doanh nghiệp.
Tình trạng thiếu hụt lao động không còn dừng lại ở một số ngành nghề mà đã là vấn đề chung của tất cả các doanh nghiệp.
7 tháng đầu của năm 2007 đã qua đi, tình hình thị trường lao động vẫn không hạ sốt. Hầu hết các doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều rơi vào tình trạng thiếu nhân lực.

Theo các chuyên gia, trong những tháng còn lại của năm 2007, thị trường lao động vẫn tiếp tục nóng.

Tp. HCM vẫn là thị trường dẫn đầu về việc cung ứng việc làm cho người lao động, chiếm 50%, theo sau là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và Hải Dương.

Nhu cầu nhân lực không giảm

Theo thống kê của Sở Lao động thương binh & xã hội Tp.HCM, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã tạo việc làm cho 134.818 lao động. Thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động giải quyết việc làm thông qua các chương trình như tổ chức các sàn giao dịch, ngày hội việc làm, các hoạt động tuyển dụng...

Tuy nhiên, mọi cố gắng cũng chỉ thoả mãn được phần nào cơn khát lao động ở các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Tình trạng thiếu hụt lao động không còn dừng lại ở một số ngành nghề mà đã là vấn đề chung của tất cả các doanh nghiệp. Nhu cầu cao, nhiều công việc, người lao động có nhiều sự lựa chọn hơn, từ đây đã phát sinh tình trạng người lao động nhảy việc liên tục. Sự phát triển về kinh tế nhanh chóng đã dẫn đến sự xáo trộn trên thị trường lao động, khi nhu cầu tăng mạnh, nhưng nguồn cung chưa sẵn sàng.

Có thể nói tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp đang rất phổ biến. Thông qua các phiên giao dịch của sàn giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm Tp.HCM tổ chức, chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở mỗi phiên giao dịch luôn ở số lượng lớn.

Chỉ tính riêng ở phiên giao dịch thứ 3 ngày 20-21/7, tổng cộng nhu cầu cần tuyển của các doanh nghiệp là 15.000 người. Các phiên giao dịch của sàn việc làm trước đó, số lượng lao động cần tuyển của các doanh nghiệp cũng luôn ở mức trên 10.000 người.

Mất cân đối giữa cung và cầu

Qua kết quả khảo sát và nhu cầu đăng tuyển lao động thực tế của các doanh nghiệp tại trung tâm giới thiệu việc làm Tp.HCM, tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng vẫn tiếp tục diễn ra ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gỗ, tiếp đó là các ngành nghề về lĩnh vực du lịch.

Dựa trên kết quả đánh giá của bản Thông số nhân lực trực tuyến vừa công bố mới đây, trong quý 2 chỉ số cầu nguồn nhân lực của 46/56 ngành nghề đã tăng đáng kể và tập trung vào các ngành nghề đòi hỏi sự chuyên môn và trình độ cao.

Bản Thông số nhân lực do Công ty Navigos tiến hành nghiên cứu nhằm tổng kết tình hình cung – cầu nguồn nhân lực định kì hàng quý. Các thông số của bản Thông số được căn cứ vào tổng số lượng hồ sơ đăng kí tìm việc và số lượng đầu việc đăng tuyển tại trang web tuyển dụng Vietnamworks.com.

Chỉ số cầu nhân lực trên thị trường lao động trong quý 2 vừa qua đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2006, đạt trên 15.000 người. Bán hàng là nghề có nhu cầu nguồn lực tăng cao nhất (1.600 người), tăng 447% so với quý 1/2007.

Kế toán, tài chính ngân hàng tăng hơn 1.300 người, tăng 383%; công nghệ thông tin tăng 375%; ngành hành chánh, tiếp thị, quản lí điều hành đều có nhu cầu cần tuyển tăng trên 200%.

Nhu cầu nhân lực tăng mạnh trong các ngành nghề cũng đã điều chỉnh lượng cung trên thị trường lao động. Cũng theo như các thông số trong bản Thông số nhân lực trực tuyến những tháng trong quý 2/2007, các ngành nghề về kế toán, tài chính, nhân sự, quản lí điều hành cũng đã có lượng người tìm việc nhiều hơn.

Thời gian qua, các ngân hàng, tổ chức tài chính, đầu tư chứng khoán đẩy mạnh các hoạt động mở rộng mạng lưới đã tạo ra hàng trăm vị trí công việc, thu hút sự quan tâm của người lao động, vì thế nhân lực ngành ngân hàng, tài chính đã dẫn đầu chỉ số tăng điểm về sức cung nguồn nhân lực với mức tăng 245%.

Xét về tốc độ gia tăng của thị trường, nguồn nhân lực của ngành ngân hàng chiếm tỉ lệ tăng 57%, theo sau là kế toán, tài chính (42%), môi trường, xử lí chất thải cũng tăng hơn 40%, lĩnh vực bất động sản và phiên dịch đều có mức tăng là 39%.

Mặc dù trong quý 2, chỉ số nguồn cung nhân lực đã có chiều hướng tăng lên nhưng như đánh giá của các chuyên gia nguồn cung vẫn chưa đuổi kịp cầu khi nguồn cung mới đạt tỉ lệ tăng 30% song nhu cầu lại tăng ở mức 142% so với quý 1.

Vì vậy, vấn đề thiếu hụt lao động vẫn chưa thể nào giải quyết được ngay trong quý 3 tới đây và trong những tháng còn lại của năm 2007.