11:04 14/01/2010

Vận tải biển chật vật phục hồi

Anh Quân

Tiếp tục duy trì tăng trưởng sản lượng, nhưng vận tải biển không thể tránh một năm suy giảm doanh thu và lợi nhuận

Doanh thu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong năm 2009 chỉ còn bằng 84%, lợi nhuận tương đương 52% năm 2008.
Doanh thu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong năm 2009 chỉ còn bằng 84%, lợi nhuận tương đương 52% năm 2008.
Trái với nhiều dự đoán về sự suy giảm nghiêm trọng theo sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vận tải biển Việt Nam khép lại năm 2009 với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng qua hệ thống cảng biển nước ta năm 2009 đã đạt mức tăng trưởng 25% so với năm 2008, tương đương khoảng 246 triệu tấn hàng hóa quy đổi. Tổng lượng hàng hoá vận tải biển của các doanh nghiệp ước đạt 80 triệu tấn, tăng trưởng 15% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu tài chính lại không tăng tương ứng mà có sự thụt lùi đáng ngại, chủ yếu do giá cước vận tải biển giảm mạnh trong năm qua. Doanh thu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong năm 2009 chỉ còn bằng 84%, lợi nhuận tương đương 52% năm 2008.

Vận tải “bó máy”

Nửa cuối năm 2008, giá cước vận tải biển “cắm đầu” lao dốc. Từ mức kỷ lục của mọi kỷ lục,  11.709 điểm vào ngày 20/5, chỉ số giá cước vận tải hàng khô BDI (Baltic Dry Index) quay đầu đi xuống, đạt mức thấp nhất trong vòng một thập niên vào ngày 12/2/2008, ở 684 điểm, giảm 94%.

Mặc dù đạt mức tăng trưởng doanh thu 41%, lợi nhuận 59% trong năm 2008, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đứng trước một năm 2009 đầy thách thức với mặt bằng giá cước nằm sâu dưới mức hòa vốn và lượng hàng hóa vận chuyển giảm mạnh.

Tại hội nghị tổng kết ngành vào tháng 1/2009, các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận đều được điều chỉnh theo hướng giảm từ 10% đến 50%. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nêu quan điểm, chỉ cần không lỗ đã là thắng lợi lớn trong năm 2009.

Thực tế cho thấy, đây là giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp vận tải biển. Cước vận tải duy trì mức thấp dưới giá thành trong một thời gian dài, hàng hóa khan hiếm, nhiều doanh nghiệp vận tải biển trong nước nhiều nơi “bó máy”, phải chấp nhận chạy rỗng một chiều, nếu không muốn để tàu nằm bờ. Kịch bản lỗ lớn đã được không ít chủ tàu tính đến.

Sau loạt giải pháp được Vinalines “tung” ra, trong đó đáng chú ý là mở chi nhành tại Singapore và tích cực khai thác nguồn hàng; phối hợp các chân hàng ngắn để giảm chi phí… tình hình có cải thiện hơn nhưng chưa thoát khó khăn.

Chỉ số BDI tăng hầu như liên tục từ đầu năm 2009 đến giữa tháng 3, đạt đỉnh đầu tiên ở 2.271 điểm, sau đó chỉ số này giảm một mạch về 1.478 điểm vào tháng 4, làm dấy lên những nghi ngại về xu hướng phục hồi không vững chắc.

Cho dù được hỗ trợ bởi giá nhiên liệu giảm mạnh so với năm 2008, tuy nhiên, khó khăn vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp vận tải do đơn hàng giảm và các hợp đồng thuê tàu đứng trước sức ép điều chỉnh giá xuống. Một số nguồn tin cho hay, tại quốc đảo Singapore - một trong những cảng biển sầm uất nhất thế giới - số tàu dừng đỗ tại cảng vì không có đơn hàng có thời điểm lên tới hơn 700 tàu.

Vận tải biển chật vật phục hồi - Ảnh 1

Chật vật thoát lỗ nhờ… cảng


Nhưng từ giữa tháng 4/2009, chỉ số BDI bắt đầu tăng mạnh và đạt đỉnh tiếp theo ở 4.070 điểm vào tháng 6, báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ. Trong khi khối vận tải dường như vẫn “bó máy”, lĩnh vực cảng biển ít nhiều có lợi thế về thị phần và năng lực đã giúp Vinalines không tụt quá xa so với kết quả đạt được của năm trước đó.

Sản lượng hàng thông qua các cảng của Vinalines trong 6 tháng đầu năm 2009 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2008. Cụ thể, Cảng Sài Gòn đạt 8,7 triệu tấn (tăng 26%); Cảng Đoạn Xá đạt 2,2 triệu tấn (tăng 50%); Cảng Đà Nẵng đạt 1,5 triệu tấn (tăng 14%); Cảng Cái Cui đạt 2,6 triệu tấn (tăng 482% do được đầu tư nâng cao năng lực); cảng Cần Thơ đạt trên 4 triệu tấn (tăng 312%)...

Tuy nhiên, sự sụt giảm nhu cầu về quặng sắt và than đá trên thị trường thế giới đã kéo chỉ số BDI giảm liên tục trong cả quý 3/2009, xuống đáy 2.175 điểm vào ngày 23/9, mất gần nửa số điểm so với đỉnh đạt được trước đó.

Ngay sau đó trong quý 4/2009, dấu hiệu phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, cùng với nhu cầu vận tải tăng lên nhanh chóng đã kéo chỉ số BDI dốc ngược lên mức 4.643 điểm vào ngày 18/11, trước khi điều chỉnh về mức trên 3.000 điểm vào cuối năm 2009.

Nhìn chung, chỉ số BDI đã được cải thiện khá nhiều trong năm 2009, nhưng vẫn ở mức thấp, giảm trung bình khoảng 50% điểm số so với năm trước đó. Trong phần lớn thời gian, chỉ số này nằm dưới ngưỡng 4.000 điểm, được cho là giới hạn kinh doanh có lãi của các chủ tàu hàng khô.

Với loại tàu handysize, loại tàu chiếm đa số trong đội tàu của các công ty vận tải hàng rời Việt Nam, chỉ số BHSI (Baltic Handysize Index) duy trì được đà tăng trong cả năm 2009 nhưng vẫn ở mức thấp. Sự phục hồi khoảng 14% trong quý 4/2009 giúp nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam thoát lỗ trong gang tấc.

Chỉ số Baltic Dry Index 2009
Nguồn: Wikinvest.com
Vận tải biển chật vật phục hồi - Ảnh 2

“Đòn bẩy” từ hàng nội


Kết thúc năm 2009, Vinalines đạt 33 triệu tấn hàng hóa vận tải và gần 70 triệu tấn hàng thông qua cảng. So với năm 2008, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 8% và 20%. Kết quả này được hỗ trợ mạnh mẽ bởi lượng hàng xuất khẩu thông qua cảng tăng mạnh. Thêm vào đó, vận tải nội địa cũng cho thấy sự tăng trưởng cao trong năm 2009.

Cụ thể, vận tải trong nước tăng tới 31% so với năm 2008, đạt 5,24 triệu tấn. Trong khi đó, vận tải nước ngoài chỉ tăng có 4% nhưng có khối lượng lớn hơn, đạt tới  27,67 triệu tấn. Tính riêng vận tải container, sản lượng hàng vận chuyển tuyến nội địa ước đạt gần 205 nghìn TEU, tăng 31% so với năm 2008; tuyến nước ngoài tương ứng là 512 nghìn TEU và tăng 10%.

Đáng chú ý, lượng hàng thông qua cảng tăng rất mạnh trong năm vừa qua. Mức tăng trưởng sản lượng hàng xuất khẩu thông qua cảng của Vinalines đạt 44%, tương đương gần 29 triệu tấn. Hàng nhập khẩu chỉ tăng 7% và đạt 21,8 triệu tấn; hàng nội địa tăng 9% và đạt 19,3 triệu tấn.

Tuy nhiên, do giá cước vận tải và phí dịch vụ giảm trong năm 2009, các chỉ tiêu về tài chính đều có sự thụt lùi so với năm 2008. Tổng doanh thu năm 2009 của Vinalines chỉ đạt gần 18,2 nghìn tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2008.

Hoạt động vận tải chịu ảnh hưởng về giá nhiều nhất. Khối doanh nghiệp vận tải làm ra sản lượng tăng 8% trong năm 2009, nhưng doanh thu kiếm về giảm 23% so với năm 2008. Tương tự, khối doanh nghiệp cảng tăng 20% về sản lượng hàng thông qua, nhưng chỉ tăng có 3% về doanh thu. Doanh nghiệp khối dịch vụ chịu ảnh hưởng ít nhất, vẫn đạt mức tăng doanh thu 13% so với năm 2008...

Sự cạnh tranh gay gắt trên từng đơn hàng vận tải cũng gây sức ép giảm giá cước và chi phí vận chuyển. Tổng lợi nhuận thu được trong năm 2009 của Vinalines giảm mạnh so với năm 2008, chỉ còn bằng 52%, tương đương 857 tỷ đồng.

Nhưng so với con số kế hoạch, mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2009 vượt 90%, một khoảng cách quá xa so với dự báo hồi đầu năm này.