14:10 15/01/2010

Vẫn tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu

Y Nhung

Năm qua, xuất khẩu tuy sụt giảm, nhưng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vẫn là định hướng cơ bản của nước ta

Ngành dệt may Việt Nam hiện đã chú trọng hơn tới khâu thiết kế tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng để giảm tỷ lệ may gia công.
Ngành dệt may Việt Nam hiện đã chú trọng hơn tới khâu thiết kế tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng để giảm tỷ lệ may gia công.
"Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vẫn tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay quá trình thực hiện sẽ phải có sự điều chỉnh".

 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị triển khai kế hoạch ngành Công Thương năm 2010, ngày 14/1.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm qua, xuất khẩu của nước ta đã chịu tác động tiêu cực trên cả ba phương diện: Đơn đặt hàng ít đi do khách hàng gặp khó khăn về tài chính; giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chỉ bằng 60-70% mức giá của 2008; các doanh  nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu gặp khó khăn về vốn và đầu ra, kể cả các doanh  nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm qua vẫn đạt trên 56 tỷ USD, chỉ giảm 9,7% so với năm trước và bằng 87,6% kế hoạch.

Cũng trong năm 2009, duy nhất xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Phi có mức tăng trưởng dương, ước khoảng 17,5% do tăng xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ biển Ngà và tái xuất khẩu vàng sang Nam Phi, còn các thị trường khác đều giảm. Giảm mạnh nhất là thị trường châu Đại Dương (khoảng 44,8%) do lượng dầu thô xuất khẩu sang Australia giảm.

Trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút nhiều doanh nghiệp đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối trong nước, triển khai các loại hình buôn bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.

Nhờ đó, thị trường hàng hóa trong nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt khoảng 1.197,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng là 11%.

“Đây là mức tăng khá ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, thị trường trong  nước đã giữ được vai trò là “điểm tựa” giúp cho sản xuất được duy trì, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá.

Mặc dù xuất khẩu sụt giảm có sụt giảm, nhưng Phó thủ tướng vẫn cho rằng nước ta sẽ vẫn tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Dựa vào xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến công nghệ, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu… để tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hệ số đàn hồi năng lượng của Việt Nam là 2,42 lần so với GDP, nghĩa là để làm ra 1 đồng GDP, phải tiêu tốn 2,42 đồng năng lượng. “Điều này chứng tỏ là máy móc của chúng ta vẫn chưa hoạt động hết công suất, dẫn tới mức hao phí cao”, Phó thủ tướng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng, khi đã thành công trên thị trường thế giới, quay trở lại phục vụ thị trường nội địa người dân cũng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Nhưng thay vì xuất thô, làm gia công cho nước ngoài, xuất khẩu Việt Nam phải hướng tới tạo thêm nhiều giá trị gia tăng đối với các loại hàng hóa xuất khẩu.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp nên chú ý hơn tới việc mở rộng thị trường tránh tình trạng xuất khẩu tự phát, thấy thị trường nào “ngon” thì thâm nhập, thay vì tiếp cận một cách bài bản và có chiến lược.

Phó thủ tướng đơn cử, nước láng giềng Trung Quốc với 1,3 tỷ dân, tiềm năng thị trường là rất lớn, nhưng các doanh nghiệp nước ta lại chưa xác định đây là một thị trường cần chiếm lĩnh mà chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng vẫn nhấn mạnh rằng với tổng mức lưu chuyển hàng hóa lên tới trên 60 tỷ USD, thị trường trong nước vẫn là “sân chơi” rất rộng cho các doanh nghiệp.