08:42 03/02/2012

Vàng chạm đỉnh 11 tuần, dầu thô xuống thấp nhất 6 tuần

Diệp Anh

Giá vàng tương lai tiếp tục được hưởng lợi từ sự lo lắng của nhà đầu tư về tình hình Hy Lạp, trong khi giá dầu liên tục sụt giảm

Thị trường hàng hóa thế giới đêm 2/2 tiếp tục biến động trái chiều do ảnh hưởng của nhiều yếu tố tốt xấu đan xen nhau.
Thị trường hàng hóa thế giới đêm 2/2 tiếp tục biến động trái chiều do ảnh hưởng của nhiều yếu tố tốt xấu đan xen nhau.
Thị trường hàng hóa thế giới đêm qua (2/2) tiếp tục biến động trái chiều. Trong khi giá vàng tương lai vẫn được "hưởng lợi" nhờ sự lo lắng của nhà đầu tư về tình hình đàm phán tái cơ cấu nợ nần ở Hy Lạp, thì thị trường dầu mỏ lại lao dốc mạnh hơn do đánh giá xu hướng tiêu thụ ở thế bất lợi.

Vàng chạm đỉnh 11 tuần

Sự lo lắng của nhà đầu tư về kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ nần giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ tư nhân ở nước này, được xem là yếu tố kích cầu tiêu thụ vàng trong phiên giao dịch đêm qua, đưa giá mặt hàng kim loại quý này lên cao nhất 11 tuần.

Hiện giới đầu tư đang ngóng chờ kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán trên, dự kiến sẽ được chốt hạ vào cuối tuần này. Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ đợi bản báo cáo việc làm do Chính phủ Mỹ công bố trong ngày 3/2 (giờ Mỹ).

Chốt phiên giao dịch, giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex ở New York tăng thêm 9,8 USD, tương ứng 0,6%, lên 1.759,3 USD/ounce, cao nhất kể từ giữa tháng 11/2011 tới nay. Phạm vi giao dịch của vàng loại này là từ thấp nhất 1.743,3 USD cho tới cao nhất 1.763,8 USD/ounce.

Cùng chiều với giá vàng, các mặt hàng kim loại khác cũng đi lên trong ngày. Giá bạc giao tháng 3 tăng 37 cent, tương ứng 1,2%, lên 34,16 USD/ounce. Giá palladium giao cùng kỳ hạn tăng được 10,95 USD, tương ứng 1,6%, lên 707,65 USD/ounce.

Giá bạch kim giao tháng 4 tăng nhẹ 6,7 USD, tương ứng 0,4%, lên mức 1.629,9 USD/ounce. Ngược chiều với xu thế chung trên thị trường hàng hóa kim loại, giá đồng giao tháng 3 giảm 6 cent, tương ứng 1,6%, xuống còn 3,78 USD/lb.

Dầu thô xuống thấp nhất 6 tuần

Giá dầu tương lai tiếp tục sà xuống thấp trong phiên giao dịch ngày 2/2, do nhà đầu tư vẫn chưa hết lo ngại về báo cáo dự trữ nguồn cung ở Mỹ tăng cao bất thường và các đánh giá về xu hướng tiêu thụ ở trạng thái bất lợi. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp, giá dầu kỳ hạn đi xuống.

Cụ thể, chốt ngày 2/2, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 giảm mạnh 1,84 USD, tương ứng 1,9%, xuống còn 95,75 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Đây là mức chốt theo ngày thấp nhất của dầu thô kỳ hạn loại này trong vòng 6 tuần qua.

Trước đó, trong phiên 1/2, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã nhấn chìm thị trường khi công bố bản báo cáo cho thấy lượng dự trữ xăng, dầu trong tuần trước đều cao bất thường, vượt xa con số dự báo của giới phân tích. Điều này là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh.

Giá dầu đêm qua còn chịu áp lực không nhỏ từ việc chỉ số đồng USD tăng nhẹ. Chốt phiên 2/2, chỉ số USD tăng lên 78,992 điểm, từ mức 78,925 điểm trong ngày giao dịch 1/2. Ngoài ra, việc giới đầu tư lo lắng về triển vọng tiêu thụ dầu thô thời gian tới cũng khiến giá dầu bị sức ép.

Ngược chiều với thị trường dầu, giá khí tự nhiên đêm qua tăng mạnh trở lại sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng công bố lượng dự trữ mặt hàng này trong tuần trước giảm mạnh. Giá khí tự nhiên giao tháng 3 kết thúc ngày giao dịch 2/2 tăng 12 cent, tương ứng 5,1%, lên 2,51 USD/ triệu BTU.

Thị trường nông sản trồi sụt

Khác với xu hướng vài ngày qua, khi giá hầu hết các mặt hàng nông sản tăng hoặc đồng loạt giảm, phiên hôm qua, thị trường này có sự trồi sụt xen kẽ nhau. Cụ thể, về xu hướng tăng, giá cà phê arabica cộng 0,7% lên mức 215,6 cent/lb. Đậu tương tăng 0,29% lên mức 1.220,5 cent/bushel.

Cũng vẫn ở chiều hướng này, giá gạo chưa xay xát tăng 0,37% lên mức 13,69 USD/cwt trên sàn CBOT. Giá lúa mì trên sàn CBT tăng 0,11% lên 663,5 cent/bushel. Giá len trên sàn SFE tăng 0,63% lên 1.268 cent/kg. Giá dầu đậu tương tăng 0,18% lên 51,28 cent/lb.

Ở chiều ngược lại, giá đường thô thế giới giảm 0,47% xuống còn 23,48 cent/lb. Giá ngô tương lai hạ 0,04% xuống mức 642,75 cent/bushel. Giá lúa mì trên sàn KCB giảm 0,21% xuống 716,25 cent/bushel. Giá ca cao đi ngang ở mức 2.225 USD/tấn. Tương tự, giá yến mạch không đổi.