07:19 04/10/2011

“Vàng đen” chốt giá thấp nhất trong hơn 1 năm

Diệp Anh

Tính tới 7h10 sáng 4/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu tương lai trên thị trường quốc tế đã giảm thêm 1,25 USD, xuống 76,36 USD/thùng

Thị trường xăng, dầu biến động dữ dội trong phiên giao dịch đêm qua.
Thị trường xăng, dầu biến động dữ dội trong phiên giao dịch đêm qua.
Tính tới 7h10 sáng 4/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô tương lai trên thị trường quốc tế đã giảm thêm 1,25 USD, tương ứng 1,61%, xuống mức 76,36 USD/thùng.

Trước đó, đêm qua, thị trường xăng, dầu quốc tế chao đảo dữ dội và đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong hơn một năm qua, do tác động từ sự đi xuống mạnh mẽ của khu vực chứng khoán Mỹ cùng những lo lắng của giới đầu cơ về triển vọng kinh tế toàn cầu đe dọa nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Khép phiên giao dịch 3/10, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 1,59 USD, tương ứng 2%, xuống mức 77,61 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Với hai phiên giảm giá liên tiếp, hiện dầu thô tương lai đang đứng ở mức thấp nhất kể từ ngày 28/9/2010.

Trước đó, đóng cửa phiên châu Á, giá dầu ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 99 xu, xuống 78,21 USD/thùng trên sàn giao dịch điện tử Singapore, còn giá dầu ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn giảm 77 xu, xuống chốt ở 101,99 USD/thùng.

Trong tháng 9 vừa qua, giá dầu loại này đã giảm tới 11%, nâng mức giảm trong cả quý 3/2011 lên tới 17%, do các thị trường biến động mạnh khi những hoài nghi về kinh tế toàn cầu tăng lên và từ đó tác động tới các dự báo tăng trưởng lượng tiêu thụ dầu thô trong tương lai.

Phiên hôm qua, thị trường dầu chịu sự tác động mạnh từ những tin tức không mấy tốt lành từ châu Âu. Hy Lạp cho biết họ không thể đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách năm nay và năm tới, trong khi giới đầu cơ chứng khoán bán tháo cổ phiếu ngân hàng vì lo sợ rủi ro.

Tin tức từ Hy Lạp càng khiến bức tranh kinh tế châu Âu u ám thêm, khi mà trước đó Markit Economics công bố số liệu cho thấy sản xuất khu vực đồng tiền chung giảm tháng thứ hai liên tiếp. Cụ thể, chỉ số quản lý sức mua của khu vực này giảm xuống 48,5% trong tháng 9, từ mức 49% trong tháng 8.

Victor Shum, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz, có trụ sở tại Singapore, nhận định sự xuống giá của thị trường chứng khoán đã kéo thị trường dầu mỏ đi xuống theo, trong bối cảnh tâm lý bi quan về nền kinh tế toàn cầu đang hối thúc các nhà đầu tư tập trung vào các tài sản an toàn như USD.

Ông Shum nói: "Thị trường dầu mỏ đang chịu sức ép bán ra do đà đi xuống của chứng khoán và sự mạnh lên của đồng USD". Theo ông Shum, hiện mối lo sợ về đà tăng trưởng yếu kém của kinh tế thế giới vẫn đang "phủ bóng" lên các thị trường toàn cầu. Do đó, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan tâm tới "đồng bạc xanh".

Tuy nhiên, hôm qua, đà giảm của giá dầu thô cũng đã được ngăn lại phần nào, sau khi báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ cho thấy chỉ số sản xuất tháng 9 của quốc gia này tăng lên mức 51,6 điểm, từ mức 50,6 điểm trong tháng 8, khả quan hơn kỳ vọng của giới phân tích.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố chi tiêu xây dựng của nước này trong tháng 8 tăng 1,4%, ngược với dự báo giảm của giới phân tích. Những số liệu tích cực này tuy không thể xoa dịu được những mất mát trên thị trường, song cũng có những phản ứng tích cực đối với nhà đầu tư.

Ngoài ra, một số quan chức ngành dầu mỏ ở Saudi Arabia và Iran nói rằng thị trường dầu đang cân bằng trở lại, cũng mang lại chút ánh sáng lạc quan cho thị trường vàng đen, dù mức ảnh hưởng không rõ rệt cho lắm.

Tương tự như dầu thô, giá xăng hợp đồng tháng 11 giảm 3 xu, tương ứng 1,1%, xuống 2,51 USD/gallon, mức giá thấp nhất kể từ trung tuần tháng 2 tới nay. Dầu sưởi giao cùng kỳ hạn cũng giảm 3 xu, tương ứng 1%, xuống còn 2,75 USD/gallon, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6.