15:28 26/11/2013

Vàng nữ trang 9999 “ngoài vòng pháp luật”?

Minh Đức

Vàng trang sức, mỹ nghệ 9999 hay là 99,99% bị “bỏ rơi” trong một văn bản quan trọng

Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã “vô tình” bỏ qua loại vàng 9999?
Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã “vô tình” bỏ qua loại vàng 9999?
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư số 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Có nhiều điểm còn vướng mắc trong văn bản quan trọng này.

Cuối tuần qua, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Tp.HCM tổ chức hội nghị hướng dẫn chuẩn bị thực hiện thông tư trên. Những giá trị của nó được đánh giá cao, tuy nhiên cũng có những quan ngại đặt ra.

Đại diện một số doanh nghiệp nữ trang lo ngại rằng, việc phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của vàng nguyên liệu đầu vào sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn, bởi phần lớn vàng nữ trang họ mua vào hiện nay là trôi nổi, khó xác minh và chứng minh được.

Bên cạnh đó, nếu phải chứng minh xuất xứ như vậy, chắc chắn sẽ là trở ngại lớn đối với vàng nhập lậu.

Tuy nhiên, trong Thông tư 22 không hề có quy định phải chứng minh xuất xứ, nguồn gốc của vàng nguyên liệu đầu vào như trên. Trao đổi với VnEconomy, đại diện một số doanh nghiệp lớn cũng như chuyên gia về ngoại hối cũng nhận thấy điều này.

“Nếu quy định người bán phải chứng minh nguồn gốc của vàng, doanh nghiệp phải chứng minh xuất xứ đầu vào của sản phẩm…, thì sẽ là một rào cản kỹ thuật quan trọng để hạn chế vàng nhập lậu. Thế nhưng, rất nhiều loại nữ trang hiện nay tồn tại và sử dụng trong đời sống dân cư là không thể chứng minh hay xác định nguồn gốc được, do đã có hàng trăm năm để lại, của ông bà để lại…, nên không thể có quy định như trên”, một chuyên gia ngoại hối lý giải.

Trả lời tham vấn của VnEconomy, ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng nhấn mạnh đến nội dung trên, không có trong quy định của Thông tư 22, và đưa ra khá nhiều điểm khác cần xem xét lại.

Điểm đầu tiên, ông Tuấn cho rằng, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã “vô tình” bỏ qua loại vàng 9999.

Thông tư có nêu định nghĩa, vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng vàng từ 8 Kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật; vàng tinh khiết là kim loại vàng có độ tinh khiết lớn hơn 999 phần nghìn (‰) tính theo khối lượng.

Trong phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng để xác định chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ cũng xác định khá chi tiết và cụ thể, song lại vắng mặt loại 4 số 9 (9999).

Bảng phân hạng trên xác định vàng 24K có độ tinh khiết không nhỏ hơn 999 phần nghìn, hay hàm lượng vàng không nhỏ hơn 99,9%. Theo đó, vàng 9999 được hiểu theo tiêu chuẩn “không nhỏ hơn” đó và được xếp vào vàng 24K.

Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc DOJI cho rằng, dù vậy vẫn bỏ qua sự tồn tại của vàng nữ trang 9999 đang có trên thị trường hiện nay.

Cụ thể, theo bảng phân hạng trên, cũng như các quy định khác trong Thông tư 22, thì không có tiêu chuẩn nào để xác định hoặc đề cập đến vàng 9999. Giả sử, theo phân hạng, vàng có hàm lượng từ 99,90 đến 99,94 % là vàng 24K, nhưng không thể xem là vàng có độ tinh khiết tuyệt đối 9999 (99,99%) cũng giống như các loại trên.

“Ở đây là vấn đề định nghĩa, xác định đúng loại vàng 9999 để kiểm định, gắn với thông tin cam kết về sản phẩm của doanh nghiệp. Điều này trở nên quan trọng khi phát sinh khiếu nại hay tranh chấp trong giao dịch, thậm chí có thể nảy sinh sự khác biệt trong các chính sách thuế…”, ông Tuấn đề cập.

Khi thực hiện Thông tư 22, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp không có tiêu chuẩn nào để xác định vàng 9999. “Như vậy, vô tình vàng nữ trang 9999 bị đặt vào tình thế “ngoài vòng pháp luật”, dù nó đang tồn tại và giao dịch theo quy định cho phép của pháp luật”, ông Tuấn nói thêm.

Hoặc lật ngược lại, doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang 999 nhưng tuyên bố là vàng 9999 thì sao? Chiếu theo Thông tư 22 thì không có quy định nào về vàng 9999 cả.

Hơn nữa theo Thông tư 22, đối tượng áp dụng cả đối với tổ chức, cá nhân mua bán vàng miếng. Vậy thì tiêu chuẩn vàng miếng (đã có 8 thương hiệu đang lưu thông hợp pháp trên thị trường) luôn được xác nhận là vàng 9999 hay là độ tinh khiết tuyệt đối 99,99%, nếu có tranh chấp, khiếu nại cần phải trưng cầu giám định thì sẽ do ai kiểm định và lấy tiêu chuẩn nào khi mà hàm lượng tinh khiết tối đa ở Thông tư 22 chỉ đề cập đến khái niệm 3 số 9 hay là 99,9%?

Cũng trong quy định về phân hạng vàng theo kara, khoản 2 điều 6 của thông tư đề cập đến quy định làm tròn số. Ví dụ, vàng 21,5K thì bị kéo lùi về vàng xếp vào vàng 21K. Quy định làm tròn này theo Phó tổng giám đốc DOJI là cũng không hợp lý.

Ông Tuấn cho rằng, từ 21,0 - 21,9K thì bị xếp thành 21K, trong khi chênh lệch hàm lượng giữa hai hạng này là 4%. Giả sử người dân bán vàng 21,9K nhưng khi kiểm định và xếp vào vàng 21K và tính theo đơn giá hiện hành, họ sẽ bị thiệt thòi.

Theo giá thị trường thì chênh lệch mất khoảng 1,3 triệu đồng. Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất vàng 21,9K lại không thể tuyên bố là vàng 22K và được lợi ích giá tốt hơn, bởi vì Thông tư 22 chỉ cho phép đánh tụt hạng. Mà theo nguyên tắc làm tròn số thì nếu chênh lêch lớn hoặc nhỏ hơn +/- 0.5 sẽ được quy đổi làm tròn lên hoặc xuống 1 đơn vị liền kề tương ứng.

Ở một quy định khác, khoản 3 điều 6 Thông tư 22 quy định: “Vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng, phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức”. Quy định này cũng được cho là không thực tế.

Bởi lẽ, một sản phẩm nữ trang có hàm lượng là 999 hoặc 9999, nhưng chỉ có 1 vẩy hàn với tỷ trọng rất nhỏ và không đáng kể có hàm lượng thấp hơn, tuổi vàng thấp hơn thì cả sản phẩm đó có thể bị hiểu là phải xếp “tương đương” với hàm lượng của vẩy hàn.

Ông Tuấn giải thích rằng, khi chế tác nữ trang, về kỹ thuật, các mối hàn sản phẩm phải sử dụng vàng thấp tuổi hơn rất nhiều; chế tác vàng nữ trang 99,99% hay 99,9% không thể dùng vật liệu hàn cũng là vàng 99,99% hay 99,9% để hàn được, mà các vảy hàn, muối hàn thường chỉ có hàm lượng 82 - 92%.

Ngoài ra, chuyên gia của DOJI cũng thắc mắc rằng, một nội dung quan trọng của Thông tư 22 là các tổ chức kiểm định, giám định chất lượng vàng. Tuy nhiên, quy định của thông tư lại dùng từ “thử nghiệm”.

“Tôi không hiểu sao lại dùng từ “thử nghiệm”. Vì theo cách hiểu thông thường, “thử nghiệm” là làm thử, ứng dụng thử một giải pháp hay công nghệ, hay làm thử việc gì đó. Còn đây là phải giám định, xác định hàm lượng, tuổi vàng một cách chính xác và khắt khe”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh những điểm còn vướng mắc trên, ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc DOJI nhìn nhận, về tổng thể Thông tư 22 là một bước tiến quan trọng trong việc từng bước chuẩn hóa thị trường vàng; cùng với Nghị định 24 của Chính phủ, Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước để đưa thị trường vàng vào khuôn khổ.

“Về cơ bản, quy định về mặt chất lượng hàng hóa của Thông tư 22 là rõ ràng. Anh sản xuất thì phải đăng ký và công bố chất lượng, theo tiêu chuẩn nhất định, còn trước đây là có tình trạng không rõ ràng. Nay với thông tư này thì người ta thống nhất với nhau về hàm lượng hay độ tinh khiết của vàng, các cơ quan quản lý cũng theo các tiêu chuẩn đó để kiểm tra xem anh có sản xuất đúng để bảo vệ người tiêu dùng”, ông Tuấn nói.

Các quy định về độ sai số cho phép trong Thông tư 22 cũng sẽ bảo đảm các doanh nghiệp không “ăn gian” về trọng lượng. Việc công bố thông tin, tem và nhãn sản phẩm cũng dễ cho các nhà sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng, hạn chế sự mù mờ hay nhập nhèm trong sản xuất và giao dịch.