10:31 15/03/2023

Vàng thế giới tụt giá vì nhu cầu “hầm trú ẩn” giảm bớt, trong nước mất mốc 67 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ

Dù vậy, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất được cho là sẽ đặt ra sức ép đối với hệ thống ngân hàng Mỹ, qua đó kích thích nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới giảm khá mạnh vì nhu cầu phòng ngừa rủi ro giảm bớt khi cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ ổn định một phần, kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (15/3) tuột khỏi mốc 67 triệu đồng/lượng. Mối lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất đã quay trở lại, gây áp lực mất giá lên kim loại quý.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,85 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,1 triệu đồng/lượng và 55 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,2 triệu đồng/lượng và 66,9 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 10,4 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,5%, còn 1.904,5 USD/oz. Gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 1 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, đứng ở 1.905,5 USD/oz - theo dữ liệu từ Kitco.

Mức giá này tương đương khoảng 54,6 triệu đồng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.440 đồng (mua vào) và 23.780 đồng (bán ra), tăng 40 đồng so với sáng hôm qua, sau khi giảm 110 đồng vào sáng qua.

Giá vàng không giữ được mức đỉnh của 1 tháng rưỡi do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại. Khi lãi suất tăng, giá vàng thường gặp bất lợi do vàng là tài sản không mang lãi suất.

Lợi suất trái phiếu tăng do giá trái phiếu giảm khi nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư toàn cầu giảm bớt trong lúc cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ tạm thời được kiểm soát. Thay vì đổ tiền vào những tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ và vàng như phiên trước đó, nhà đầu tư đã gom mạnh cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, đưa chứng khoán toàn cầu tăng điểm sau chuỗi phiên giảm liên tiếp.

Gần cuối phiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 19,5 điểm cơ bản, đạt 4,225%; lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng 0,12 điểm cơ bản, đạt 3,637%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm tăng lên mức 2,883% sau khi giảm 73 điểm cơ bản trong phiên trước.

Trước đó, trong phiên ngày thứ Hai, giá trái phiếu tăng mạnh khiến lợi suất trái phiếu giảm sâu, đẩy giá vàng tăng vọt qua mốc 1.900 USD/oz sau một thời gian dài lình xình dưới ngưỡng này.

Vàng còn giảm giá sau báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tháng 2 không nằm ngoài dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,4% trong tháng 2, giảm so với mức tăng 0,5% ghi nhận trong tháng 1. Tính trong vòng 1 năm, CPI tháng 2 tăng 6%, giảm so với mức tăng 6,4% trong kỳ 1 năm tính đến tháng Giêng.

Sau báo cáo này, cộng thêm tình hình khủng hoảng ngân hàng ổn định một phần, giới đầu tư kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới nhưng với bước nhảy nhỏ 0,25 điểm phần trăm thay vì bước nhảy lớn 0,5 điểm phần trăm. Dù kỳ vọng vào bước nhảy lãi suất có giảm so với tuần trước, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất vẫn gây sức ép mất giá đối với vàng.

Một báo cáo của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s ngày 14/3 dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi lạm phát giảm về tầm mục tiêu 2%. Tuy nhiên, việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm toàn hệ thống ngân hàng Mỹ và cảnh báo về những rủi ro đối với các ngân hàng trong môi trường lãi suất tăng có thể sẽ khuyến khích giới đầu tư nắm giữ vàng trong thời gian tới nhằm bảo toàn giá trị tài sản.

“Hiện tại, các nhà đầu cơ vàng giá lên vẫn đang rất mạnh nhờ nhu cầu phòng ngừa bất ổn định tài chính, bởi Fed có thể phải chấp nhận sự thật rằng lạm phát sẽ cao hơn và lâu hơn”, chiến lược gia trưởng Nicky Shiels của MKS PAMP nhận định.

Diễn biến giá vàng thế giới 1 tháng qua, với mức tăng hơn 2%. Đơn vị: USD/oz.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 tháng qua, với mức tăng hơn 2%. Đơn vị: USD/oz.

Giá vàng đã tăng bùng nổ trong hai phiên ngày thứ Sáu và thứ Hai khi nhà đầu tư tìm kiếm một “vịnh tránh bão” sau ba vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ nối tiếp nhau trong tuần trước.

“Chừng nào còn nguy cơ bất ổn lây lan từ vụ sập ngân hàng SVB, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng, nhu cầu tài sản an toàn vẫn sẽ ở mức cao”, trưởng phân tích Han Tan của Exinity nói với hãng tin CNBC.

“Chúng tôi dự báo nhiều khả năng giá vàng sẽ giữ trên ngưỡng tâm lý quan trọng 1.900 USD/oz cho tới cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới, chừng nào đồng USD còn đuối và tâm lý lo ngại rủi ro vẫn còn hiện hữu trên thị trường” ông Tan nhận định.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt phiên ngày thứ Ba ở mức gần 103,6 điểm, không thay đổi đáng kể so với phiên trước. Sáng nay, chỉ số giảm nhẹ về vùng 103,5 điểm.