09:27 29/01/2015

Vay ngân hàng dễ hơn nhờ “nhân tố thứ ba”

Minh Đức

Có thêm “nhân tố thứ ba”, ngân hàng mạnh dạn cung vốn rẻ và kết quả vượt cả mong đợi

19 ngân hàng thương mại đã ký cam kết dành hơn 128.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2015.<br>
19 ngân hàng thương mại đã ký cam kết dành hơn 128.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2015.<br>
Ngày 7/7/2012, tại hội nghị sơ kết toàn ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình kêu gọi toàn hệ thống xem xét rút lãi suất cho vay về tối đa 15%/năm.

Nhưng giảm lãi suất là chưa đủ. Vẫn còn nhiều vướng mắc khác khi doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng.

Ít ngày sau hội nghị trên, ông Bình vào Tp.HCM, cùng lãnh đạo UBND bàn cách xây dựng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Bà Hồng, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM nhớ lại cuộc họp đó, nói: “Có thành công hiện nay, phải cảm ơn Thống đốc. Ông đã rất tâm đắc với mô hình Tp.HCM đưa ra và lập tức chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn phối hợp triển khai ngay từ quý 4/2012”.

Vì sao tâm đắc? Bởi mô hình kết nối mà UBND Tp.HCM xây dựng đã có mặt “nhân tố thứ ba” - chính quyền địa phương đã thực sự tham gia vào quá trình vay vốn của doanh nghiệp.

“Ký thật, làm thật, không phải PR”

Vai trò của chính quyền địa phương trở nên nổi bật trong mối quan hệ ngân hàng với doanh nghiệp, đặc biệt trong 2012 - 2013.

Một loạt các vụ việc vỡ nợ, lừa đảo, rủi ro xẩy ra, khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng và cán bộ tín dụng vướng rủi ro pháp lý. Hiệu ứng của nó trở thành rào cản tâm lý ở bên cho vay, vô hình cũng cản trở dòng chảy tín dụng, nhất là với các nhu cầu vay không có tài sản đảm bảo.

Tại cuộc tiếp xúc doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa ngày 15/9/2014, Thống đốc Bình cũng gián tiếp nói về rào cản này.

Có khoảng chục ý kiến doanh nghiệp đề nghị xem xét hỗ trợ, điểm chung là họ không có/hạn chế tài sản thế chấp. Nhưng khi những con mắt tại cuộc tiếp xúc đó nhìn về Thống đốc như chờ một cái gật đầu, thì ông thận trọng: “Lúc này đây, chúng ta hiểu và thông cảm, có thể đáp ứng. Nhưng trong cuộc sống, tôi cũng xin nói rất thật thế này, nhiều người chỉ nhớ cái gì mà lúc đấy người ta nhớ, còn việc ngày hôm qua người ta dễ quên lắm”.

Ý của ông Bình là, lúc này, trước các đề nghị bức thiết của doanh nghiệp, có thể xem xét cho vay, nhưng về sau nếu có rủi ro xẩy ra, cơ quan chức năng khó có thể nhớ bối cảnh và thực tế cần đáp ứng của các nhu cầu vay đó.

“Khi đó mấy ai nhớ lại thời điểm thông cảm và xem xét hỗ trợ cho vay. Mà nếu cơ quan pháp luật nói cố ý làm sai gây hậu quả nghiêm trọng thì đã đủ để vào “chỗ kia” rồi. Mà nếu có ghi thêm một câu nữa, cố ý làm sai gây hậu quả nghiêm trọng và có biểu hiện tham nhũng, thế thì nguy to rồi, cán bộ ngân hàng cho vay doanh nghiệp đó không những vào “chỗ kia” mà còn đi xa lắm…”, Thống đốc đặt tình huống tại cuộc tiếp xúc trên.

Thế nhưng, chủ trương cho vay tín chấp được ông nhấn mạnh, như một cách hỗ trợ. Tháng 9/2014 cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tín chấp, và gặp không ít hoài nghi.

Trước các đề nghị của doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Thống đốc đề nghị chính quyền địa phương cùng giám sát, ngồi lại với doanh nghiệp và ngân hàng để tháo gỡ cụ thể, như một điều kiện để có thể đẩy mạnh cho vay tín chấp. Thực tế được ông dẫn ra là thành công từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Tp.HCM, khi có sự tham gia thực sự của “nhân tố thứ ba”.

Tại hội nghị tổng kết đầu tuần này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, nói rằng: “Từ sáng kiến và chỉ đạo của Thống đốc, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai, ký thật và làm thật, làm rất hiệu quả, chứ không PR một tổ chức hay cá nhân nào cả ở chương trình kết nối này”.

Sẽ mở rộng toàn quốc

Quý đầu tiên triển khai, chương trình tại Tp.HCM thu hút 11 ngân hàng tham gia, cho vay 84 doanh nghiệp với tổng số vốn là 657 tỷ đồng. Đến 2014, đã có 22 ngân hàng, 1.143 khách hàng vay 40.057 tỷ đồng. Tính chung qua ba năm, có trên 4.500 khách hàng được vay tổng số vốn trên 67.500 tỷ đồng.

Điểm nhấn của chương trình trên là lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1-2%/năm so với lãi vay thông thường cho những khách hàng khó tiếp cận vốn theo cách thông thường. Đặc biệt, qua ba năm với hơn 67.500 tỷ đồng, chưa có trường hợp nợ quá hạn và nợ xấu.

Nói chuyện với VnEconomy bên lề hội nghị đầu tuần này, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thị Hồng bình luận, bên cạnh số vốn giải ngân vượt mong đợi, việc không có nợ xấu phát sinh tính đến thời điểm này cho thấy hiệu quả của chương trình, cũng như khẳng định niềm tin đối với doanh nghiệp khi vốn được rót đúng địa chỉ.

Tp.HCM đã giao cho các sở ban ngành liên quan, phối hợp với 9 đầu mối quận huyện, tách trách nhiệm cụ thể đến từng phường để khảo sát, thẩm định và tập hợp các nhu cầu vay thực sự, có dự án thực sự và triển vọng hiệu quả để chuyển về Ngân hàng Nhà nước.

Bà Hồng cho biết, mỗi năm trên địa bàn có khoảng 20.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh lập mới. Nhóm đối tượng này rất khó tiếp cận vốn vì còn mới, tài sản đảm bảo hạn chế, năng lực và “bề dày thành tích” chưa chứng minh được với ngân hàng.

Vì vậy, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc làm cầu nối cho họ với ngân hàng, cũng như thực hiện vai trò một kênh giám sát. Có được “nhân tố thứ ba” này, cửa vốn ngân hàng cũng dễ mở hơn.

Thực tế, mức độ tham gia và tốc độ cho vay qua ba năm tại Tp.HCM vượt xa dự tính ban đầu. Năm 2015, quy mô vốn ký cam kết của 19 nhà băng lên tới 128.000 tỷ đồng, tiếp tục tạo khả năng có kết quả tốt hơn nữa.

Đánh giá về kết quả trên, bà Hồng nói rằng, nếu không có sáng kiến và chương trình này, gắn với cơ chế lãi suất ưu đãi, thì các nỗ lực khác của chính quyền địa phương trong hoạch định chính sách, trong hỗ trợ doanh nghiệp sẽ khó phát huy hiệu quả mong muốn.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, sau thành công tại Tp.HCM, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã có chỉ đạo hệ thống nhân rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, với yêu cầu có sự tham gia thực sự của “nhân tố thứ ba” như trên.