10:15 23/06/2011

Vay tiền chứng khoán, vô vàn cách lách luật

Hoàng Nam

Giao dịch hiện nay đang èo uột, không cho vay thì làm sao kích cầu, làm sao thu phí giao dịch để nuôi bộ máy và... trả lãi vay?

Bây giờ, bán khống, mua bán T+0... đang dần trở thành từ cửa miệng của nhà đầu tư và dân môi giới, thậm chí nói nhiều đến mức chả sợ bị phạt.
Bây giờ, bán khống, mua bán T+0... đang dần trở thành từ cửa miệng của nhà đầu tư và dân môi giới, thậm chí nói nhiều đến mức chả sợ bị phạt.
Dạo này nghe nói là nhiều công ty chứng khoán vẫn không ngừng ra sức chèo kéo khách hàng bằng các loại hình dịch vụ được cho là thời trang như bán ngày T, bán khống, option...

Ở thế giới, những loại dịch vụ đó là bình thường, đương nhiên phải có, nhưng ở Việt Nam, nó là "hàng xa xỉ", do chứng khoán là ngành kinh doanh có điều kiện.

Giám đốc khối môi giới của một công ty chứng khoán kể rằng, cách đây khoảng hai tuần, từ một yêu cầu khá “độc” từ khách hàng VIP tiềm năng mà anh đã phát hiện được một dịch vụ mới từ một công ty chứng khoán khác, đó là: ứng tiền bán T.

Dịch vụ này hoàn toàn không dựa trên tiền bán chờ về của khách hàng để công ty chứng khoán ứng trước, mà ứng ngay khi khách hàng còn... chưa bán chứng khoán.

Ví dụ: nhà đầu tư dự tính bán 1.000 cổ phiếu A trong tuần này, nhưng chưa biết lúc nào mới đặt bán vì còn phải “canh giá”, chỉ biết chung chung là sẽ bán trong tuần này. Khi đó, công ty chứng khoán sẽ “ứng tiền bán” cho nhà đầu tư với một tỷ lệ nhất định, tất nhiên nhỏ hơn 100% trên giá trị cổ phiếu của bạn (có thể từ 30% đến 60% tùy loại).

Nếu trong tuần này nhà đầu tư bán, công ty sẽ khấu trừ tiền bán khi về đến tài khoản của nhà đầu tư. Nếu đổi ý không bán, nhà đầu tư sẽ phải hoàn trả tiền ứng vào cuối kỳ, cộng một chút phí gọi là... Nếu không hoàn tiền, công ty sẽ bán cổ phiếu của bạn. Đơn giản chỉ vậy.

Thực ra, dịch vụ “ứng tiền bán T” này, về bản chất vẫn là vay tiền để mua trên chứng khoán bạn có, nhưng không phải là cho vay ký quỹ (margin) vì công ty chứng khoán không cho vay ngày T để nhà đầu tư mua chứng khoán, cũng không phải cầm cố vì nhà đầu tư không giao dịch với ngân hàng.

Theo điều 27 Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC, hạn mức vay của công ty chứng khoán được quy định rằng: tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá 6 lần và nợ ngắn hạn tối đa bằng tài sản ngắn hạn.

Như vậy, công ty chứng khoán có thể được phép vay tới 6 lần vốn tự có, nên ngoài tự doanh, công ty chứng khoán có thể đem tiền vay đi cho vay lại dưới đủ hình thức.

Hơn nữa, giao dịch hiện nay đang èo uột, không cho vay thì làm sao kích cầu, làm sao thu phí giao dịch để nuôi bộ máy và... trả lãi vay? Do đó mà dịch vụ tài chính ngày càng có đất phát triển.

Luật tuy không cho công ty chứng khoán đem tiền cho vay thì họ sẽ lách thành: hợp tác đầu tư. Luật cũng quy định khi mua chứng khoán, nhà đầu tư phải ký quỹ 100% thì công ty chứng khoán sáng kiến: ứng tiền trước vào đó (gọi là chậm tiền, ứng tiền bán T-...).

Luật không cho bán khống thì một số nơi cho mượn chứng từ tài khoản khác để bán trước này T+4, thậm chí cho bán trước rồi mua sau... Vô vàn cách lách luật để vay miễn... có tiền.

Đa dạng hóa dịch vụ là cách để các công ty chứng khoán cạnh tranh, để công ty nhỏ tạo nét khác biệt với công ty lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay thì công ty chứng khoán phải “len lén” làm, trong khi ngành ngân hàng, xét về bản chất dịch vụ và mức độ rủi ro thì cũng là loại đáng để có điều kiện lắm chứ, lại thoải mái phát kiến ra vô khối sản phẩm (chỉ tính riêng trong loại hình tiền gửi tiết kiệm cũng có đủ nét khác biệt như rút gốc linh hoạt, tiết kiệm kèm quyền, tiết kiệm kiêm đầu tư, thậm chí có loại tiết kiệm... phạt, tức là ngân hàng từ ý chịu phạt đối với người gửi tiết kiệm để trả khách hàng lãi suất cao...).

Đã lén mà vẫn làm thường xuyên được thì coi như đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, những công ty nào chỉ vì bảo thủ, sống đàng hoàng mà từ chối yêu cầu của khách, coi như thiệt. Bây giờ, bán khống, mua bán T+0... đang dần trở thành từ cửa miệng của nhà đầu tư và dân môi giới, thậm chí nói nhiều đến mức chả sợ bị phạt.

Với Thông tư 74, dịch vụ giao dịch ký quỹ - một dịch vụ kích cầu chứng khoán, đã chính thức hiện diện tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng để dịch vụ này có đầy đủ tư cách pháp lý để đi vào cuộc sống thì vẫn còn chờ hướng dẫn chi tiết từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thị trường cũng mong rằng cơ quan quản lý sớm ban hành quy định hướng dẫn các dịch vụ này.