12:00 10/01/2023

VCB tiếp tục “gánh” chỉ số, cổ phiếu giảm giá gấp đôi mã tăng

Kim Phong

Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VCB đã xuất hiện áp lực chốt lời sau khi tăng cao nhất 12,4% chỉ từ đầu tháng 1 tới nay. Dù vậy mức tăng 1,61% vẫn đem lại giá trị lớn cho VN-Index khi bớt đi được gần 1,7 điểm giảm. Vấn đề là VCB quá đơn độc...

Trụ VCB tăng quá đơn độc trong khi rất nhiều cổ phiếu lớn khác giảm giá.
Trụ VCB tăng quá đơn độc trong khi rất nhiều cổ phiếu lớn khác giảm giá.

Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VCB đã xuất hiện áp lực chốt lời sau khi tăng cao nhất 12,4% chỉ từ đầu tháng 1 tới nay. Dù vậy mức tăng 1,61% vẫn đem lại giá trị lớn cho VN-Index khi bớt đi được gần 1,7 điểm giảm. Vấn đề là VCB quá đơn độc.

VN-Index chốt phiên sáng đang mất 3,53 điểm tương đương 0,33% so với tham chiếu. Điểm giảm thì không nhiều, nhưng độ rộng thì quá tệ với 118 mã tăng/237 mã giảm. Phần lớn cổ phiếu đang giao dịch yếu ớt do không có thanh khoản.

VCB khá tốt, nhưng nhóm ngân hàng thực ra lại yếu. Ngoài VCB chỉ còn 4 mã khác trong nhóm này tăng, là PGB, MSB, LPB và ACB. VCB chưa bao giờ là cổ phiếu có thanh khoản lớn, nhưng sáng nay cũng lọt vào Top 10 sàn HoSE với xấp xỉ 97 tỷ đồng khớp lệnh. Lực chốt lời xuất hiện khá rõ ở mã này sau phiên tăng mạnh 3,5% hôm qua. Trong hơn 30 phút đầu phiên sáng nay, VCB còn có thêm một nhịp nữa, vọt lên 89.900 đồng, tăng 3,45% trước khi lực bán xuất hiện.

Rổ VN30 hiện chỉ có 8 mã tăng giá nhưng 20 mã giảm. Ngoài VCB, có thêm PLX tăng 2,54%, MWG tăng 1,19% và VNM tăng 0,5% là đáng kể. Chỉ riêng điều này cũng thể hiện sự suy yếu của nhóm cổ phiếu blue-chips dẫn dắt. Điểm số mất chưa nhiều chủ đạo là nhờ lực bán vẫn còn nhẹ.

Phía giảm cũng là một yếu tố may mắn. VIC giảm 1,82%, MSN giảm 1,76%, GAS giảm 1,15%, VRE giảm 3,23% là những mã yếu nhất, nhưng không hơn. Trong 237 cổ phiếu đỏ trong chỉ số VN-Index, cũng chỉ 104 mã giảm hơn 1%.

VN-Index giảm không nhiều, nhưng cổ phiếu thì từ từ trượt dốc.
VN-Index giảm không nhiều, nhưng cổ phiếu thì từ từ trượt dốc.

Nói chung thị trường yếu thể hiện ở diễn biến “lịm” dần đi, thay vì xuất hiện một đợt bán tháo cao trào. Với tốc độ giảm và biên độ giảm chậm và nhẹ, đây là kết quả của tình trạng thiếu lực mua. Trong thời điểm cả bên mua lẫn bên bán đều chán và muốn nghỉ, bên nào có lực nhỉnh hơn cũng đủ điều tiết hướng đi của giá. Với độ rộng mất cân bằng như sáng nay, bên bán đang tạm thời thắng.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết tương đương sáng hôm qua với 3.426 tỷ đồng nhưng tập trung lớn vào 6 cổ phiếu là HPG, STB, VPB, VCG, SSI và VCB. 6 mã này chiếm 22,3% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Trong số này duy nhất VCG là tăng 4,14% cùng với VCB. Thanh khoản VCG cũng khá lớn, đạt 110,8 tỷ đồng.

Giao dịch có tín hiệu tích cực hơn ở các cổ phiếu thanh khoản trung bình. Trong phân đoạn thanh khoản từ 30 tới 40 tỷ đồng có khá nhiều cổ phiếu tăng tốt như IDI tăng 2,48%, PVD tăng 1,88%, LCG tăng 6,21%, KSB tăng 6,83%, MWG tăng 1,19%, DBC tăng 1,99%.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay tăng gần gấp đôi quy mô mua vào so với sáng hôm qua, nhưng bán cũng lớn hơn nhiều lần, nên vị thế mua ròng lại yếu. Cụ thể, khối này giải ngân 801,5 tỷ đồng, bán ra 604 tỷ đồng, tương ứng mua ròng tại HoSE 197,5 tỷ. Về cổ phiếu, đáng chú ý chỉ có HPG được mua ròng 22,1 tỷ, VNM +21,3 tỷ, PVD +15,4 tỷ, STB +11,6 tỷ. Các chứng chỉ quỹ được mua rốt là FUEVFVND +50 tỷ, FUSSVFL +38,2 tỷ, E1VFVND30 +12,4 tỷ. Như vậy dòng vốn Thái Lan vẫn đang đổ vào thông qua các quỹ này.