VDI sẽ là "bà đỡ" của start-up số
"Theo tôi, đầu tư cho lĩnh vực khởi nghiệp số, chuyển đổi số, 4.0 là những lĩnh vực sẽ mang lại hiệu quả cao nhất"
Để đảm bảo thành công cho khởi nghiệp sáng tạo cần cả một hệ sinh thái từ thị trường, chính sách Nhà nước, môi trường…, chứ không đơn thuần chỉ là sự kết nối song phương giữa các nhà đầu tư và khởi nghiệp. Câu lạc bộ đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ số Việt Nam (VDI) ra đời với mong muốn sẽ là "bà đỡ" cho các start-up công nghệ số.
Chia sẻ với VnEconomy sau khi VDI ra mắt (26/11/2020), ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ VDI nói:
Các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp số, đặc biệt quỹ đầu tư nước ngoài, đầu tư mạo hiểm họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau và từ những việc nhỏ ban đầu của một start-up nhằm đưa kinh nghiệm, hàm lượng chất xám, tiền… để đảm bảo hiệu quả đầu tư là cao nhất. Dù rủi ro là có nhưng đã đầu tư là phải hiệu quả, đó là mong muốn của nhà đầu tư.
Hiện rất khó để phân biệt những quỹ đầu tư chuyên cho khởi nghiệp số. Với các quỹ lớn nước ngoài người ta đầu tư vào một số lĩnh vực, tuy nhiên, tôi nghĩ họ đều hướng đến đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất là đầu tư cho khởi nghiệp số, hoặc lĩnh vực về số hóa, tận dụng được cách mạng 4.0. SoftBank (tập đoàn của Nhật Bản) chẳng hạn, toàn đầu tư cho ý tưởng sáng tạo.
Có "trăm hoa đua nở"?
Tại Việt Nam, hiện đã có nhiều quỹ đầu tư, cả nước ngoài và trong nước trong đó có đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, rồi các vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của các tổ chức nhà nước… VDI ra đời lúc này liệu có là muộn hay kiểu "trăm hoa đua nở" không?
Tại sao VDI lại ra đời khi mà các quỹ riêng lẻ đã có rồi? Nhà nước cũng đang thành lập nhiều quỹ đầu tư như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang mong muốn thành lập quỹ của Nhà nước là một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư của Nhà nước.
Vinasa (Hiệp hội phần mềm Việt Nam) là một tổ chức xã hội, tổ chức mạng lưới của doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp phần mềm nên chúng tôi nhận thấy để thúc đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ những ý tưởng sáng tạo với các nhà đầu tư cần có môi trường hai bên kết nối với nhau.
Trước nay là song phương. Những ý tưởng sáng tạo "vô tình" gặp được nhà đầu tư, hay thông qua vài ba cuộc thi, chấm giải rồi tự tìm đến nhau, tự thương thảo. Như vậy, thứ nhất không đẩy nhanh được quá trình tiếp xúc. Thứ hai là có sự rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời có thể mang lại hiệu quả thấp cho những ý tưởng sáng tạo vì không có nhiều lựa chọn.
VDI có rất nhiều doanh nghiệp đã thành công như FPT, Misa, VNPay, MK,… Chúng tôi mong muốn, đầu tiên, những ý tưởng sáng tạo có một môi trường để gửi gắm, VDI sẽ tư vấn ý tưởng đó có nên làm không, nếu không hiệu quả mà đầu tư vào thì lỗ.
Tiếp đến, đã là những ý tưởng sáng tạo thì với kinh nghiệm của mình như khả năng trí tuệ, kinh nghiệm, công nghệ, rồi kinh nghiệm quản lý, quản trị, điều hành, đưa sản phẩm ra thị trường để kinh doanh, VDI sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để họ giảm rủi ro, sau đó là kết nối với các nhà đầu tư.
Tôi nghĩ các nhà đầu tư cần đến VDI, cần có nơi nào mà không phải đơn phương để tìm đến ý tưởng sáng tạo nữa, họ đến đây để tìm rất nhiều ý tưởng sáng tạo để chọn lựa, qua VDI để biết được những ý tưởng sáng tạo nào đã được tư vấn, có khả thi, ít rủi ro. Nhà đầu tư cần chúng tôi và chúng tôi cũng cần họ.
Vậy VDI đặt mình vào vị trí nào? Là kết nối, tư vấn, đầu tư về tiền mặt hay mục đích tạo ra một hệ sinh thái?
Cũng có người hỏi một ý tưởng sáng tạo thì ai sẽ đầu tư hay nên chọn lựa ai. Nhóm ý tưởng sáng tạo chọn lựa ai là quyền của họ, chúng tôi tạo ra môi trường kết nối. Nếu cần VDI có thể tư vấn đi với nhà đầu tư nào thì sẽ lợi hơn, chứ không chỉ là tiền.
Hay nhà đầu tư nào có kinh nghiệm có thể đẩy nhanh ý tưởng đó ra thị trường, và toàn cầu hóa được, để có thể có giá trị hàng tỷ USD chứ không phải trăm triệu USD, thì đó là mong muốn của VDI.
Thứ nữa hiện có rất nhiều quỹ đơn lẻ, các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, hay quỹ của Nhà nước thì VDI đặt mình vào vị trí nào. VDI là một môi trường mở, một câu lạc bộ, tức anh thấy tốt thì vào, rồi cùng nhau làm, môi trường mở cho cả lớp trẻ đến trình bày những ý tưởng sáng tạo nhờ tư vấn kết nối.
Đối với nhà đầu tư, thấy rằng cần thì có thể đến, kể cả các quỹ của Nhà nước, hay các liên minh quỹ. Để đảm bảo cho thành công khởi nghiệp sáng tạo cần cả một hệ sinh thái - là thị trường, là chính sách Nhà nước, một môi trường để thành công, chứ không phải là kết nối song phương giữa các nhà đầu tư và khởi nghiệp.
"Khởi nghiệp số sẽ mang lại hiệu quả cao nhất"
Cụ thể hơn, về đầu tư tài chính (quỹ) của chính VDI thì sao? Các thành viên của Câu lạc bộ có sẵn sàng bỏ tiền để lập quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp số không?
VDI có hai dạng. Đầu tiên chỉ là Câu lạc bộ để kết nối các nhà đầu tư, quyền đầu tư là của các nhà đầu tư, VDI chỉ kết nối.
Tuy nhiên, bản thân tôi cũng mong muốn chính VDI cũng lập ra một qũy của VDI do những nhà đầu tư thích thì góp vào, và đầu tư cho ai, đầu tư như thế nào thì hội đồng những người tham gia vào quỹ đó bàn bạc, quyết định. Tôi vẫn nói với anh Bình (ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT – PV) nếu bỏ 1 triệu USD vào quỹ của VDI thì cá nhân tôi cũng bỏ 1 triệu USD.
Nói chung, theo tôi, đầu tư cho lĩnh vực khởi nghiệp số, chuyển đổi số, 4.0 là những lĩnh vực sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.
Vì chúng ta biết hiện 5-10 tỷ phú bây giờ toàn là lĩnh vực số, có những kỳ lân phát triển rất nhanh. Như Alibaba, Facebook, Amazon… đều từ những ý tưởng sáng tạo.
Khi phỏng vấn ông Nguyễn Tử Quảng chủ tịch Bkav, ông ấy "than phiền" việc tìm các quỹ đầu tư cho sản phẩm công nghệ có tính rủi ro ở Việt Nam là rất khó, không muốn nói gần như là không có. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đều có các ngân hàng hay các quỹ (được Chính phủ bỏ vốn hoặc đứng ra bảo lãnh) để đầu tư vào các doanh nghiệp làm sản phẩm công nghệ. Ông nghĩ sao về thực tế khởi nghiệp này?
Nếu làm khởi nghiệp thì đừng quá trông chờ vào đầu tư của Nhà nước. Nhà nước có thể tạo ra môi trường, bà đỡ cho những start-up khởi nghiệp ban đầu. Ví dụ trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khi vào đấy được miễn chi phí về văn phòng, Internet, điện nước… hoặc 5.000 USD, 10.000 USD chẳng hạn cho ý tưởng sáng tạo. Nhưng như thế làm sao đủ được.
Nên khi khởi nghiệp sáng tạo đã đủ lớn thì phải tìm từ những nhà đầu tư thực tế, và là những nhà đầu tư thật, mới có thể giúp về kinh nghiệm, và khi họ đã bỏ tiền vào thì sẽ đi đến cùng để thành công.
Nhưng việc chưa có các quỹ/ngân hàng để đầu tư vào các sản phẩm công nghệ có tính rủi ro cao thì có được xem là "khoảng trống" hay hạn chế trong môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam không, theo ông?
Tất nhiên tôi nghĩ đó là khoảng trống vì hệ sinh thái khởi nghiệp của mình chưa hình thành một cách rõ ràng. Thứ nhất về chính sách hỗ trợ cũng chưa, và thứ hai là chưa tạo thành một cộng đồng khởi nghiệp.
Ví dụ như Singapore, Đài Loan…, hàng nghìn ý tưởng sáng tạo được đăng ký, trình bày, được đúc gút lại, các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội, cùng trao đổi, xem xét và đầu tư. Còn của mình thì rời rạc.
Vậy VDI có thể từng bước lấp được khoảng trống này không?
Mong muốn "lấp chỗ trống" trong việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư của VDI ở chỗ, start-up có gì hay trình bày, nếu thực sự tốt thì có thể có cả "ông lớn" như SoftBank bỏ tiền, không chỉ trăm triệu mà có thể cả tỷ USD. Nhưng quan trọng nhất là nhà đầu tư thấy ý tưởng có khả thi không, có thể tạo thành tiền không, đó là năng lực của các start-up, nhất là các công ty đã lớn rồi, muốn start-up một mảng nào đó thì phải tự chứng minh năng lực với nhà đầu tư.
VDI chỉ là một môi trường, một Hub (trung tâm) để anh có cơ hội trình bày, không chỉ một vài nhà đầu tư mà cùng lúc cả trăm nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Có thể hình dung, một bên là quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, một bên là các ý tưởng sáng tạo, bọc bên ngoài là hệ sinh thái, thị trường, chính sách… VDI sẽ làm bà đỡ để nối các điểm đó với nhau, và hi vọng "bà đỡ" này sẽ lấp được một phần khoảng trống, như tìm vốn ở đâu, kêu ở đâu. Mong muốn của VDI là như vậy.
Tới đây VDI cũng sẽ đặt hàng các ý tưởng sáng tạo. Chúng tôi sẽ đặt hàng chục đơn hàng, tất nhiên đó là những thứ mà thế giới chưa làm, và nếu Việt Nam làm được thì cơ hội sẽ rất lớn.