Vẻ đẹp của nhà vườn ngói đỏ
Với địa chất trầm tích được thiên nhiên ban tặng, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất quý giá để tạo ra những loại vật liệu xây dựng như gạch và ngói có phẩm chất tốt, phù hợp với từng loại thời tiết của đất nước đa dạng khí hậu...
Nhắc đến nhà truyền thống ở Việt Nam, người ta thường hình dung ngay đến những mái ngói đỏ. Mái ngói là kiểu mái truyền thống đã được ông cha ta sử dụng từ lâu, các lò nung ngói đã xuất hiện tại Việt Nam từ thế kỷ 17 - 18. Lúc đầu ngói được làm từ nguyên liệu đất nung. Đến nay, nguyên liệu làm ngói đa dạng hơn rất nhiều, ngay cả kiểu dáng của ngói cũng được các nhà sản xuất biến tấu, tạo ra nhiều mẫu mã bắt mắt hơn.
Nhà mái ngói có khả năng chống nóng tốt, do chất liệu ngói có khả năng hấp thụ bớt bức xạ nhiệt chiếu vào nhà. Bởi thế ngôi nhà sẽ ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, rất thích hợp để sử dụng trong điều kiện khí hậu Việt Nam. Nhờ độ dốc lớn nên mái ngói có khả năng thoát nước tốt và cũng có độ bền cao.
Không chỉ phù hợp với kiến trúc tuyền thống, mái ngói giờ đây có thể được sáng tạo với nhiều phong cách công trình khác nhau. Đối với người Việt, nhà mái ngói không chỉ là nơi ở mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Mái ngói nhô cao tượng trưng cho sự thăng hoa, hướng tới những giá trị cao đẹp. Đồng thời, nó cũng thể hiện triết lý “vươn lên” trong cuộc sống của người Việt.
Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng đòi hỏi những thiết kế kiến trúc vừa thẩm mỹ, vừa đảm bảo tính bền vững. Với xu hướng bảo vệ môi trường ngày càng phát triển, kiến trúc xanh trở thành lựa chọn hàng đầu. Không chỉ giúp điều hòa không khí, cây xanh, khoảng sân và giếng trời còn tạo cảm giác thoải mái, thư giãn cho ngôi nhà. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và năng lượng tái tạo như điện mặt trời cũng là điểm cộng lớn cho phong cách này.
BLOOM HOUSE – LÂM ĐỒNG
Bloom House – ngôi nhà nở hoa - tọa lạc tại vùng đất Bảo Lâm, Lâm Đồng, là một sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, nơi mà mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa sâu sắc. Từ cái nhìn đầu tiên, Bloom House đã gây ấn tượng bởi mái ngói đỏ, vừa mang đậm nét truyền thống Việt Nam, vừa đáp ứng tốt khí hậu nhiệt đới. Các kiến trúc sư từ The Bloom Architects đã chủ ý thiết kế các đường nét uốn cong từ mái, cửa chính, cửa sổ đến các họa tiết trên tường để tạo nên sự liền mạch, gợi cảm giác nhẹ nhàng và ấm áp, như một bông hoa đang nở giữa thiên nhiên.
Với diện tích mặt sàn 160m², nội thất của Bloom House được thiết kế tối giản, tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên. Trần nhà uốn cong lên đỉnh mái, nơi có một “ô trời” ở đó, giúp không gian bên trong kết nối trực tiếp với bầu trời. Trần cong không chỉ tạo hiệu ứng thị giác mềm mại mà còn mang lại cảm giác không gian rộng mở và khi ngồi ăn ở chiếc bàn tròn bên dưới có thể tận hưởng sự thú vị của ánh sáng ban mai hoặc những đêm trăng thanh mát.
Các cửa sổ lớn với hình dáng độc đáo không chỉ là điểm nhấn trải nghiệm mà còn kết nối không gian bên trong với cảnh quan bên ngoài. Các vật liệu thô mộc như đá, gạch nung, bê tông được sử dụng một cách khéo léo không chỉ cách âm, cách nhiệt hiệu quả mà còn giúp không gian sống luôn gần gũi và thân thiện với môi trường.
Công trình được hoàn thành năm 2024, với không gian xung quanh ngôi nhà được thiết kế hài hòa với sân gạch đỏ, những mảng cây xanh xung quanh như một tấm rèm thiên nhiên, mang lại sự riêng tư và thoáng mát. Sự hòa quyện giữa vật liệu tự nhiên giúp Bloom House trở thành một không gian sống thư giãn, nơi con người có thể tìm thấy sự yên bình và cân bằng giữa cuộc sống hối hả.
Bloom House là minh chứng cho sự kết hợp giữa thẩm mỹ, công năng và giá trị sống bền vững. Ngôi nhà không chỉ là nơi để ở, mà còn là không gian để tận hưởng, để trải nghiệm và để giấc mơ về cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên thực sự nở hoa.
BẠC LIÊU HOUSE – BẠC LIÊU
Ngay từ ban đầu, các kiến trúc sư từ TAA Design đã hướng đến mục tiêu xây dựng công trình như một sự phản chiếu của kiến trúc nông thôn truyền thống Việt Nam, nhằm kế thừa và bảo tồn vẻ đẹp đang dần phai nhạt của phong cách kiến trúc này. Công trình gồm 7 khối nhà, cao từ 1 đến 2 tầng nằm tách biệt. Bố cục tổng thể của công trình có sự đan xen giữa nhà với nhà, vườn với nhà. Các module khác nhau về cao độ tạo nên sự “lúp xúp” và những không gian giữa trở thành vườn – sân – sân trong – hiên. Tất cả nhằm tái hiện lại hình thái và tinh thần của một ngôi làng truyền thống.
Trong đó, sân trong đóng vai trò là một không gian trung tính cho mọi hoạt động thư giãn, vui chơi, kết nối con người. Cùng với các khe gió – khe sáng giữa các module đã làm đa dạng hóa không gian và trải nghiệm về thiên nhiên khi cho phép nắng, mưa tràn vào trong công trình. Các kiến trúc sư cũng tôn trọng sự tự nhiên và tính nguyên trạng của khu đất, vì vậy các cây lâu năm hiện trạng được giữ lại, bằng cách bố cục ngôi nhà tạo ra khoảng hở, né các gốc cây lớn, cây xanh đan xen và tạo bóng mát cho kiến trúc mới.
Với tinh thần sử dụng vật liệu thủ công bản địa ở góc nhìn mới, công trình đã làm mới và sử dụng ngói từ tổng thể đến các chi tiết như mái che, ô thông gió, tường và hàng rào... Kết hợp với lớp hoàn thiện màu đỏ thủ công, cách tiếp cận này gợi lên cảm giác truyền thống cho người dùng, tạo ra trải nghiệm sâu sắc về không gian, thời gian và di sản văn hóa trong kiến trúc đương đại.
Có thể nói, điều may mắn nhất của công trình này là việc các kiến trúc sư và gia chủ cùng thống nhất kế thừa các yếu tố kiến trúc truyền thống trong cấu trúc mới, tôn trọng cây xanh hiện có và bối cảnh xung quanh của địa điểm trong khi bảo tồn và đổi mới các vật liệu thủ công để giữ lại cảm giác truyền thống.
Mục tiêu của công trình là thúc đẩy tính bền vững về văn hóa trong kiến trúc. Một ngôi nhà mái ngói đỏ - với các module kiến trúc có thể nhân rộng – là hình ảnh về một ngôi làng mái ngói đỏ được tiếp nối và truyền đời.