16:20 30/09/2021

VEAM dự chi gần 615 tỷ trả nốt cổ tức 2020 bằng tiền

Hà Anh

VEAM thông qua việc chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020 với tỷ lệ 4,627% (1 cổ phiếu được nhận về 462,7 đồng).

Sơ đồ giá cổ phiếu VEA từ đầu năm 2021.
Sơ đồ giá cổ phiếu VEA từ đầu năm 2021.

Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP - VEAM (mã VEA-UpCoM) công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại năm 2020 cho cổ đông.

Theo đó, VEAM thông qua việc chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020 với tỷ lệ 4,627% (1 cổ phiếu được nhận về 462,7 đồng). Ngày chốt danh sách cổ đông 13/10/2021 và ngày thanh toán là ngày 15/11/2021.

Như vậy, với 1.328.800.000 cổ phiếu đang lưu hành, VEAM sẽ chi gần 615 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông - trong đó, Bộ Công Thương đang sở hữu 88,47% vốn của VEAM , sẽ nhận về khoảng 544 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 16/7/2021 VEAM cũng đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm bằng tiền tỷ lệ 49,9%, (1 cổ phiếu được nhận về 4.990 đồng). Thời gian thanh toán vào ngày 16/8/2021. Tổng số tiền mà VEA đã chi là khoảng 6.600 tỷ đồng.

Theo BCTC năm 2020 đã soát xét, VEAM ghi nhận doanh thu gần 3.667 tỷ đồng doanh thu, giảm 18,3% so với năm trước đó (4.488 tỷ đồng); lãi từ các công ty liên doanh liên kết đạt gần 5.124 tỷ đồng - trong khi cùng kỳ đạt hơn 7.126 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 5.594 tỷ đồng, giảm 23,6% so với cùng kỳ (7.319 tỷ) - trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 5.551 tỷ đồng. EPS đạt 4.166 đồng.

Tính đến 31/12/2020, VEAM có 11.785 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; có hơn 28 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và hơn 27 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/9, giá cổ phiếu VEA giảm nhẹ còn 41.600 đồng/cổ phiếu và mới đây, VCSC đã có khuyến nghị "mua" đối với cổ phiếu VEA và gần như giữ nguyên giá mục tiêu khi chúng tôi tiếp tục đánh giá cao cơ hội đầu tư vào thị trường xe máy rộng lớn cũng như tăng trưởng dài hạn của tiêu thụ ô tô tại Việt Nam của VEA cùng với mức lợi suất cổ tức cao của công ty.

Theo VCSC, trong báo cáo này, VCSC thay đổi phương pháp định giá từ P/E sang mô hình chiết khấu cổ tức (DDM), chúng tôi tin rằng phương pháp này phù hợp với chính sách cổ tức ổn định của VEA. Ngoài ra, DDM giúp giảm tác động của biến động lợi nhuận trong ngắn hạn do các gián đoạn liên quan đến dịch COVID-19 đối với mô hình định giá của chúng tôi.

Bên cạnh đó, VCSC giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021/2022/2023 thêm 22%/14%/3% do dịch COVID-19 bùng phát mạnh hơn dự kiến tại Việt Nam làm ảnh hưởng đến nhu cầu phương tiện và hoạt động bán hàng. Đồng thời, dự báo doanh số xe du lịch (PC)/xe máy sẽ giảm 15%/15% trong năm 2021F(so với mức tăng trưởng 13%/8% trong báo cáo trước đây của chúng tôi), sau đó ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lần lượt đạt 23%/14% trong giai đoạn 2021-2023.

VCSC cho biết, giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E năm 2021/2022 của VEA đạt 13,1/10,5 lần so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 11 lần. Lợi suất cổ tức năm 2021 của VEA (sẽ được chia vào năm 2022) hấp dẫn ở mức 9,1%.

Ngoài ra, rủi ro đối với quan điểm tích cực của VCSC là nhu cầu xe máy và ô tô tiếp tục suy yếu - đặc biệt nếu tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn; cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường ô tô; những thay đổi đối với chính sách cổ tức của VEA hoặc các công ty liên kết sẽ dẫn đến mức lợi suất cổ
tức thấp hơn kỳ vọng.

Năm 2021, VEAM dự kiến doanh thu thuần của công ty mẹ ở mức 1.116 tỷ đồng, tăng 151% so với thực hiện năm 2020 (trong đó, doanh thu từ sản xuất công nghiệp đóng góp đạt 573,2 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động thương mại và dịch vụ đạt 532,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm 21% xuống còn 6.290 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 19% xuống còn 5.930 tỷ đồng.