17:16 18/09/2019

Venezuela âm thầm nới hạn chế thị trường, nền kinh tế khởi sắc

Kiều Oanh

Nền kinh tế Venezuela có dấu hiệu tốt lên khi Chính phủ giảm in tiền, dừng tăng lương, chấm dứt kiểm soát giá cả

Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela.
Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela.

Sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp kiểm soát kinh tế ngặt nghèo, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã âm thầm và thận trọng thực thi các chính sách thị trường tự do để kiềm chế siêu lạm phát và ngăn đà lao dốc kinh tế. Cho đến nay, các biện pháp này đã bước đầu mang lại sự khởi sắc cho nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ.

Theo tờ Wall Street Journal, trong mấy tháng gần đây, Venezuela đã giảm bớt hoạt động in tiền vốn ồn ạt trước kia, gần như dừng việc tăng lương liên tục, và hầu như chấm dứt việc kiểm soát giá cả vốn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khan hiếm thực phẩm nghiêm trọng. Số liệu do Quốc hội Venezuela công bố cho thấy lạm phát 12 tháng của Venezuela đã giảm từ đỉnh 2,6 triệu phần trăm vào tháng 1 xuống còn 135.000% vào tháng 8.

Ngoài ra, kinh tế Venezuela còn đang hưởng lợi từ dòng kiều hối chảy mạnh vào nước này. Do khó khăn kinh tế, khoảng 4 triệu người Venezuela đã di cư ra nước ngoài từ năm 2015. Theo các chuyên gia kinh tế, người Venezuela ở nước ngoài hiện gửi về cho người thân trong nước khoảng 4 tỷ USD mỗi năm.

Dòng kiều hối, cũng như việc Chính phủ Venezuela nới lỏng hạn chế đối với các nhà nhập khẩu và cơ sở kinh doanh, đã dẫn tới sự Đôla hóa trong nền kinh tế mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo có thể suy giảm tới 35% trong năm nay.

Các nhà bán lẻ Venezuela giờ đây thoải mái nhận thanh toán bằng đồng USD. Nếu khách hàng trả bằng đồng nội tệ Bolivar, giá hàng hóa sẽ cao hơn nhiều.

Ở thủ đô Caracas, nơi tình trạng khan hiếm thực phẩm và mất điện không nghiêm trọng như ở các thành phố khác của Venezuela, nhiều cửa hiệu mới mọc lên bán mọi loại hàng hóa, từ những hộp ngũ cốc Cheerios với giá 15 USD hay nước đóng chai với giá 3 USD.

Đây thực sự là một tin tốt đối với những người Venezuela có USD, bởi cho tới gần đây, việc giao dịch USD là phi pháp ở nước này nếu không có sự cho phép của cơ quan chức năng.

1

Hàng hóa nhập khẩu bày bán trong một siêu thị ở Venezuela.

Tuy nhiên, việc nới kiểm soát tỷ giá hối đoái cũng làm lộ ra mặt tối của mức lương tối thiểu ở Venezuela, hiện chỉ tương đương chưa đầy 2 USD/tháng. Đại bộ phận người Venezuela vẫn phụ thuộc vào đồng Bolivar, nên tình trạng khan hiếm tiền mặt khiến họ không thể dễ dàng mua các loại hàng hóa thiết yếu. Sử dụng thẻ tín dụng cũng là việc khó, bởi hạn mức chi tiêu thẻ tín dụng hàng tháng ở Venezuela là dưới 1 USD.

"Nếu chúng ta không điều chỉnh, người dân phải gánh chịu, cách mạng phải gánh chịu", Tổng thống Maduro phát biểu trên truyền hình quốc gia.

Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát kinh tế là phản ứng của Caracas trước tình trạng nền kinh tế "tuột dốc không phanh" và các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến Venezuela mất dần khả năng nhập khẩu hàng hóa.

Ông Maduro luôn nói rằng việc Venezuela rơi vào khủng hoảng kinh tế là do sự phá hoại của các thế lực phản động trong và ngoài nước. Giới chuyên gia kinh tế lại cho rằng các chính sách kinh tế sai lầm của Chính phủ Venezuela như kiểm soát giá cả và tăng lương liên tục mới chính là nguyên nhân của tình trạng này.

Kiểm soát giá cả mọi thứ từ bột ngô cho tới phụ tùng ô tô và đồ chơi trẻ em vốn là một trụ cột chính sách kinh tế thời Tổng thống Maduro và người tiền nhệm Hugo Chavez.

Riêng trong năm 2018, ông Maduro tăng lương tối thiểu 6 lần, trong đó có một đợt tăng lương gấp 60 lần kết hợp đổi tiền bằng cách xóa bớt 5 số 0 trên đồng Bolivar.

Để chi trả cho việc tăng lương, ông Maduro cho in đồng Bolivar ồ ạt. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Venezuela, số lượng tiền Bolivar trong nền kinh tế nước này tăng với tốc độ trung bình 15% mỗi tuần trong nửa cuối của năm 2018.

Năm nay, ông Maduro mới tăng lương một lần và tốc độ tăng cung tiền hàng tuần giảm còn bình quân 8% mỗi tuần.

Tuy nhiên, các đồng minh của ông Maduro từ cấp trung ương tới địa phương cho biết sự điều chỉnh chính sách kinh tế hiện nay là nhằm giải quyết tình trạng thiếu thực phẩm, nước sạch và mất điện. Họ cho biết, khi tình hình ổn định, các biện pháp kiểm soát có thể được thiết lập trở lại.

"Tôi nghĩ chúng tôi phải đạt tới một mức độ ổn định đã, rồi sau đó chúng tôi có thể nhất trí về giá cả", ông Willy Casanova, thị trưởng Maracaibo, thành phố lớn thứ nhì Venezuela, cho hay. "Hiện tại, tôi không cho rằng kiểm soát giá cả là việc làm phù hợp".