Vì biến chủng Delta, đến lượt IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á
IMF nhận định số ca nhiễm mới Covid-19 tăng nhanh do biến chủng Delta và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế khu vực...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 27/7 hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của các nền kinh tế mới nổi châu Á, trong đó có ĐÔng Nam Á. Báo cáo của IMF nhận định số ca nhiễm mới Covid-19 tăng nhanh do biến chủng Delta và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế khu vực.
Song song với việc cắt giảm triển vọng của các nền kinh tế mới nổi, IMF nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển. Điều này một lần nữa cho thấy sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia từ đại dịch do virus Sars-CoV-2 gây ra.
Theo tin từ Reuters, trong cập nhật báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO), IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi châu Á tăng trưởng 7,5% trong năm nay, giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.
Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức giảm 0,4 điểm phần trăm mà IMF đưa ra đối với các nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu.
“Triển vọng tăng trưởng ở Ấn Độ bị cắt giảm sau đợt dịch thứ hai rất nghiêm trọng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 và do sự phục hồi niềm tin chậm chạp”, báo cáo của IMF viết.
IMF cho rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ sẽ tăng 9,5% trong năm nay, giảm 3 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.
Nhóm 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – bị IMF hạ dự báo tăng trưởng 0,6 điểm phần trăm, còn 4,3%.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay giảm 0,3 điểm phần trăm, còn 8,1% do sự giảm tốc trong hoạt động đầu tư công và các biện pháp hỗ trợ tài khoá.
Về năm 2022, IMF nâng dự báo tăng trưởng các nền kinh tế mới nổi châu Á thêm 0,4 điểm phần trăm, lên 6,4%.
Đông Nam Á đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch Covid-19 toàn cầu, buộc các nước trong khu vực phải áp các biện pháp hạn chế đi lại và phong toả để chống dịch, đồng nghĩa đặt ra trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế.
“Chúng tôi cho rằng dịch bùng phát và việc thắt chặt các hạn chế sẽ gây trì hoãn phục hồi kinh tế, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á”, Oxford Economics viết trong một báo cáo. “Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các nước ngoài Trung Quốc và Singapore cũng đặt nhiều quốc gia ở khu vực châu Á vào thế rủi ro lớn hơn trước Covid. Vì thế, vết sẹo kinh tế mà Covid gây ra cho các nền kinh tế này có thể sẽ rộng hơn rất nhiều so với những gì đang được dự báo”.
Báo cáo của IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 ở mức 6%, đồng thời nâng triển vọng năm 2022 lên 4,9%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với lần dự báo hồi tháng 4.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ được định chế này tăng mạnh, lên 7% cho năm 2021 và 4,9% cho 2022, cao hơn tương ứng 0,6 và 1,4 điểm phần trăm so với cập nhật trước.
Kinh tế Anh được IMF nâng mạnh triển vọng, với mức dự báo tăng trưởng của năm 2021 là 7%, tăng 1,7 điểm phần trăm, phản ánh sự thích nghi tốt hơn kỳ vọng với các biện pháp hạn chế chống Covid.
Kinh tế Eurozone được nâng dự báo tăng trưởng 0,2 điểm phần trăm; trong khi kinh tế Nhật Bản bị hạ dự báo tăng trưởng 0,5 điểm phần trăm so số ca nhiễm mới Covid tăng và các biện pháp chống dịch được siết chặt trong nửa đầu năm.