16:36 30/08/2010

“Ví game online như ma túy là hơi thái quá”

Vinh Nguyễn

Nội dung chính của cuộc đối thoại “Đi tìm lời giải cho bài toán quản lý game online” diễn ra hôm 29/8

Game cũng có mặt tốt mặt xấu - Ảnh: NLĐ
Game cũng có mặt tốt mặt xấu - Ảnh: NLĐ
“Nếu thực sự ngành game online là “ma túy số” thì đã không được phát triển trên toàn thế giới. Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã không đầu tư rất nhiều vào ngành công nghiệp này”, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp game và nội dung số Việt Nam, ông Lê Hồng Minh, nói.

Gia đình là thiết chế đầu tiên

Phát biểu tại cuộc đối thoại “Đi tìm lời giải cho bài toán quản lý game online” diễn ra hôm 29/8, được tường thuật trực tiếp trên kênh truyền hình VTC2, ông Minh cho rằng, nếu doanh nghiệp game bị coi là tổ chức cung cấp ma túy thì những nhà cung cấp Internet là người vận chuyển ma túy, đại lý là nơi sử dụng ma túy.

“Game có sức hấp dẫn rất lớn, tôi là người rất mê game và đó là một trong những lí do tại sao tôi lựa chọn ngành kinh doanh này. Game là hình thức giải trí mới, tính tương tác, tính cộng động cao và nếu hiểu được bản chất tại sao game rất hấp dẫn thì nó sẽ khác hoàn toàn với chuyện nghiện ngập”, ông Minh nói.

Ông Minh cho biết, những tập đoàn lớn như Microsoft đã đầu tư vào game từ năm 1995, Sony thì sớm hơn, họ đầu tư vào game từ năm 1992, trong khi Google đang chuẩn bị đầu tư hàng tỉ USD vào lĩnh vực game sắp tới. “Chuyện nhìn nhận “ma túy số” mang tính chất một chiều và hơi thái quá, mình nên có quan điểm toàn diện về vấn đề này”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, phải nhìn nhận rằng game online có hai vấn đề: nội dung và chơi game quá độ. Vấn đề nội dung thì cơ quan quản lý và gia đình sẽ là bước chặn đầu tiên, khi game được kiểm duyệt thì có nghĩa là game sẽ phù hợp với từng lứa tuổi khác nhau. “Ví dụ, trong gia đình, tôi là người cha, con xem gì phải biết”, ông nói.

Theo ông Minh, vấn đề sâu xa là chúng ta phải hạn chế trẻ em đi ra đại lý Internet mà không chịu bất kì sự quản lý nào. Bởi, ra đó, các em có thể xem những trang độc hại hay chơi game không bị kiểm duyệt của nước ngoài. Hiện nay trẻ em chưa được quản lý chu đáo ở khía cạnh gia đình và xã hội.

Cùng quan điểm với ông Lê Hồng Minh, Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình, thành viên Hội đồng Thẩm định game Quốc gia, cũng cho rằng, “gia đình phải là thiết chế đầu tiên, không thể đổ lỗi cho nhà trường và nếu đổ lỗi cho xã hội thì càng khó. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm của tôi là gia đình phải có yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc này”.

Học quản lý game từ Trung Quốc

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn thừa nhận, game online là một ứng dụng của Internet. Mặc dù Internet mới chỉ chính thức vào Việt Nam từ năm 1997 nhưng thời gian qua đã có một sự phát triển rất mạnh mẽ. Game online là một hình thức để giới trẻ tiếp cận với Internet. Thông qua game online, giới trẻ có thể tiếp cận được những mặt tích cực, từ việc giải trí hợp lý, tiếp cận với các nội dung về văn hoá, lịch sử, truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, cũng như một con dao sắc, bên cạnh những mặt tích cực, game online cũng có có cả mặt hạn chế nếu như trò chơi đó có nội dung xấu, bạo lực sẽ khiến giới trẻ bỏ bê học hành, dẫn đến nghiện game. Dù là game tốt, game hay, nhưng nếu dùng thái quá thì dẫn đến bất cập.

Ông Doãn cho rằng, vấn đề Internet ở Việt Nam cũng như game online cũng còn rất mới mẻ. Trong quá trình quản lý, chúng ta cần học tập sự đi trước của các quốc gia trong đó có Trung Quốc. Nhưng người Việt Nam rất sáng tạo, chúng ta học tập và có những áp dụng cho phù hợp với Việt Nam.

“Ở Trung Quốc, trong việc quản lý giờ chơi, đối với lứa tuổi thanh thiếu niên họ quản lý ngặt nghèo. Rồi xây dựng cả những hệ thống quản lý nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có chứng minh thư điện tử... Có nhiều bài học mà chúng ta có thể học tập từ nước bạn Trung Quốc để áp dụng trong công tác quản lý của chúng ta”, ông Doãn chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, “rõ ràng chúng ta không thể chặn sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, trong đó có game online. Dù thế nào giới trẻ vẫn tìm đến game online. Do đó phải quản lý một cách thông minh. Vì thế cần phải xây dựng một chiến lược đường dài trong quản lý game online”.