08:58 01/12/2020

Vi phạm quy định xuất khẩu lao động, một doanh nghiệp bị phạt tới 400 triệu đồng

Phúc Minh

Sau khi vi phạm hành chính, doanh nghiệp đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm

Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đi làm việc ở nước ngoài để tránh bị lừa đảo. Ảnh minh họa.
Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đi làm việc ở nước ngoài để tránh bị lừa đảo. Ảnh minh họa.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần đầu tư Huệ Tuân với mức phạt 400 triệu đồng.

Theo đó, Công ty Cổ phần đầu tư Huệ Tuân bị phạt 400 triệu đồng do vi phạm nhiều quy định trong hoạt động xuất khẩu lao động, đây được xem là mức phạt cao nhất từ trước đến nay đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. 

Cụ thể, công ty Huệ Tuân đã lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Ba Lan.

Đồng thời, doanh nghiệp này đã không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp do không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, sau khi vi phạm hành chính, công ty này đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, bên cạnh việc phạt hành chính, hình thức phạt bổ sung đối với doanh nghiệp này là đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của công ty 12 tháng.

Công ty này cũng có tránh nhiệm hoàn trả đầy đủ tiền cho người lao động.

Trước đó, cũng trong tháng 11 này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã xử phạt hành chính với Công ty Cổ phần phát triển quốc tế Nhật Việt JVSJC với mức tiền là 115 triệu đồng.

Doanh nghiệp này cũng bị phạt do không trực tiếp tuyển chọn lao động. Nội dung hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không phù hợp với hợp đồng cung ứng lao động đã đăng ký với 3 nghiệp đoàn gồm: Kyyodo Kumiai Gfa, Accumulation Kyyoudou Kumiai, Sccess Kyodo Kumiai. Ngoài ra, công ty còn bị phạt do đóng không đầy đủ vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.

Liên quan đến việc một số tổ chức lợi dụng nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động để lừa đảo tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật, mới đây nhất Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra và xử lý tình trạng này.

Để tránh bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài, ngăn ngừa những rủi ro, tổn thất của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn.

Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cấp.

Ngoài ra, người lao động cần liên hệ với cơ quan lao động, chính quyền địa phương nơi thường trú để tìm hiểu thêm về thông tin liên quan đến doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.