00:01 24/06/2019

Vì sao Asanzo bị tước danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”?

KIỀU LINH

Bà Vũ Kim Hạnh khẳng định có cơ sở đối chiếu hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp, thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo

Nơi lắp ráp TV của Asanzo.
Nơi lắp ráp TV của Asanzo.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trên trang cá nhân của mình cho biết, bên cạnh thông tin điều tra của báo chí, Hội có cơ sở đối chiếu khác là hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo.

"Điều này là vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận. Từ đó, Hội tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao" để chấm dứt tình trạng gian lận và vi phạm điều lệ sử dụng", bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết thêm, danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" không phải danh hiệu nhà nước cấp mà do một hội tư nhân hoàn toàn không nhận kinh phí nhà nước hoạt động trong suốt 23 năm qua.

Về việc bình chọn danh hiệu do người tiêu dùng tin cậy, bình chọn nhằm khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng hàng Việt.

Quy trình tổ chức điều tra diễn ra như sau: Tổng số phiếu điều tra là 2/10.000 dân số. Năm 2019, các phiếu do người tiêu dùng được phỏng vấn trực tiếp; các chủ tiệm bán lẻ và 1 tỉ lệ nhỏ số phiếu điều tra online. Phiếu điều tra gồm câu hỏi chính về ý kiến lựa chọn của người tiêu dùng về chất lượng, sản phẩm được cho là có chất lượng cao từng ngành.

Tiếp theo là cho điểm 5 yếu tố: giá, mẫu mã, uy tín thương hiệu, bảo hành, mạng phân phối. Trong hơn 3 tháng cuộc điều tra trải qua 2 giai đoạn (2 bước).

Bước 1, tổ chức khảo sát người tiêu dùng trên cả nước, hình thức phỏng vấn trực tiếp. Kết quả sơ bộ được đăng rộng rãi trên nhiều báo. Qua đọc báo, người tiêu dùng có nhiều phản hồi. Và sau khi công bố xong thì qua bước 2, làm tiếp 3.

Riêng trường hợp của Asanzo, bà Hạnh khẳng định, Asanzo được người tiêu dùng bình chọn ở ngành điện tử gia dụng, và chỉ có 2 sản phẩm được chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao" là: Tivi và Thiết bị Smart Box cục bắt tín hiệu truyền hình mặt đất.

Các sản phẩm khác của Asanzo thuộc ngành máy móc gia dụng không được người tiêu dùng bình chọn. Dữ liệu điều tra đang lưu trữ có ghi nhận cụ thể và ban tổ chức cuộc điều tra cũng thông báo cho doanh nghiệp như vậy.

Cũng theo bà Hạnh, trong quá trình điều tra ở bước 2, cơ quan chức năng không phát hiện doanh nghiệp làm ăn gian dối, báo chí và các đoàn thể của người tiêu dùng cũng không có ý kiến nào về Asanzo.

"Thông tin từ báo Tuổi Trẻ cho thấy: Ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu (Asanzo) từ Trung Quốc...Trong năm 2018, 2019, Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo tiếp tục nhập nhiều linh kiện điện tử có in sẵn nhãn hiệu Asanzo (từ Trung Quốc) và cả linh kiện không ghi nhãn hiệu gì từ Trung Quốc".

"Đối chiếu với hồ sơ kinh doanh mà Asanzo cung cấp cho Hội đang lưu trữ sẵn tại văn phòng Hội, chúng tôi thấy doanh nghiệp cho biết là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng (được bình chọn) tại 2 nhà máy: nhà máy 1 rộng 5.000 m2 và nhà máy 2 rộng 1.740 m2 là không đúng với thực tế", bà Hạnh khẳng định.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra một thực tế là tình hình quản lý gian lận thương mại của nhà nước chưa bao quát hết và việc thực thi trên cả nước cũng chưa nghiêm.

"Hiện nay, vẫn đang diễn ra một thực tế mà doanh nghiệp làm ăn chân chính Việt Nam rất lo âu là: Sẽ còn không ít doanh nghiệp hành xử như Asanzo nhưng qui mô nhỏ hơn, ít truyền thông ồn ào táo bạo hơn mà chưa được phát hiện", bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

"Nếu người tiêu dùng quay đầu thì đây chính là bản án tử của doanh nghiệp"

Trong một lần trao đổi với VnEconomy vào tháng 5/2018, ông Phạm Văn Tam - người sáng lập Asanzo, cho biết sau gần 5 năm khởi nghiệp, doanh thu 2017 của công ty đạt khoảng gần 5.000 tỷ. Ông cũng đưa ra lời khuyên với những người đang khởi nghiệp: "Nếu người tiêu dùng quay đầu thì đây chính là bản án tử của doanh nghiệp".

Ông Tam nói: - Các thương hiệu mạnh của nước ngoài hầu hết đã xây dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng Việt rồi. Nhưng không phải ai cũng có tiền mua. Vì vậy, chúng tôi không đi theo phân khúc giá cao như của iPhone hay Samsung được, mà đi theo phân khúc bình dân dành cho người tiêu dùng thu nhập thấp.

Khi quyết định chuyển sang làm điện thoại, TV, tỷ lệ giữa tính toán và liều của tôi là 50 - 50 và sự liều đấy đã mang lại thành quả. Tôi liều nhưng có cơ sở, tính toán được tương lai của sản phẩm, năng lực của mình đến đâu…

Liều như vậy, cái tôi được nhiều nhất là thương hiệu Asanzo, được trân trọng trong giới điện tử, giới khởi nghiệp. Giờ đây tôi đã thỏa mãn với việc không còn là con buôn không ai để ý.

Ông có lời khuyên nào cho những người đang và đã khởi nghiệp và đổ vỡ nhiều lần như ông?

Vỡ thì phải có lý do và phải xem lại lý do này. Và khi tìm ra được lý do rồi thì sẽ tìm được cách giải quyết. Điều quan trọng là phải giữ được chữ tín. Tiền có thể hết nhưng chữ tín phải giữ. Nếu người tiêu dùng quay đầu thì đây chính là bản án tử của doanh nghiệp.

Vì sao ông lại đặt tên thương hiệu là Asanzo?

Đây là cái tên ngẫu nhiên. Nhà tôi trước đây sống ở Móng Cái, giáp biên giới Trung Quốc. Tên Tam của tôi xuất phát từ tiếng Trung Quốc, đọc là "san" và mọi người thường gọi là "A San" (A Tam). Khi vào Sài Gòn, người ta hay nói là làm ăn "vô mánh", nên tôi lấy tôi lấy từ "vô" (phát âm giống "zo") và ghép thành Asanzo.

Trước đó, tôi đã nghĩ tới nhiều cái tên. Nhưng tôi đặt tên này bởi vì theo tập quán của người Việt, khi lấy tên thuần Việt quá cho một sản phẩm điện tử, chưa chắc anh đã thắng. Với tâm lý sính ngoại của người Việt, bắt buộc phải lấy cái tên có chút yếu tố nước ngoài.